Thành phố Hà Nội đã đề xuất với Bộ Công an, Bộ Xây dựng các giải pháp thay thế đối với 17 chung cư không đạt chuẩn theo Luật PCCC. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại về các giải pháp thay thế có đảm bảo được an toàn của các tòa chung cư, nhà cao tầng.
Cư dân hoang mang
Chung cư BMM, Xa La, Hà Đông là 1 trong 17 tòa nhà của Hà Nội được nêu đích danh không đạt chuẩn theo Luật PCCC đang được đề nghị xem xét giải pháp thay thế. Điều này đã khiến không ít người dân ở tòa chung cư này tỏ ra hoang mang.
Chị Lê Yến một cư dân sống trong tòa nhà BMM cho biết: “Cư dân không có được thông tin chính thức nào từ chủ đầu tư, chính quyền, tất cả chỉ là nắm thông tin từ báo chí phản ánh. Cư dân tòa nhà đã vào ở được hơn 1 năm rồi nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành nghiệm thu PCCC và nhiều lần người dân kiến nghị nhưng chủ đầu tư vẫn chưa giải quyết”.
Tòa chung cư 30 tầng BMM với 300 hộ dân sinh sống, bất kỳ những sự cố cháy, nổ sẽ ảnh hưởng tới hơn 1.000 người. Ngoài ra, cư dân còn “tố” chủ đầu tư - Công ty thương mại SX BMM còn đang chiếm dụng rất nhiều các hạng mục của cư dân mà không chịu trao trả.
Ảnh minh họa.
Ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: Với những công trình chưa đảm bảo những chức năng bố trí về phòng cháy chữa cháy vẫn sẽ có những giải pháp điều cần thiết là chủ đầu tư và cơ quan chức năng phải có trách nhiệm với công trình. Với những chung cư không đạt chuẩn phải tìm ra điểm nào không đạt chuẩn. Các công ty xây dựng, kiến trúc sư của Việt Nam đủ khả năng khắc phục được.
“Trước hết, phải xác định dù là công trình chung cư của Nhà nước hay tư nhân cũng phải khắc phục ngay bởi nếu không thì cư dân ở những tòa chung cư đó có yên tâm sống không? Đây là vấn đề về nhân sinh, con người” – ông Phạm Thanh Tùng nói.
Bỏ đi một công trình còn hơn để người dân sống trong nguy hiểm
Theo luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc công ty Luật Trường Sơn, tiêu chuẩn PCCC của các chung cư cao tầng rất nhiều, phải xem xét kỹ xem đây là những tiêu chuẩn gì? Tiêu chuẩn về PCCC của chung cư bình thường và cao cấp là khác nhau, nếu là tiêu chuẩn cao cấp hạ xuống tiêu chuẩn cơ bản thì có thể chấp nhận được nhưng là chuẩn tối thiểu thì không thể giảm được.
Luật sư Trương Anh Tuấn: Công trình mà hạ chuẩn dưới ngưỡng tối thiểu để rồi xảy ra một vụ Carina Plaza thứ 2 thì không thể chấp nhận được.
Vấn đề ở đây đặt ra là tất cả giải pháp thay thế phải có phương án chi tiết, có lý do cụ thể. Khi các cơ quan Nhà nước đề xuất phương án “giảm chuẩn” thì phải có cơ sở chuyên môn, nhưng đề xuất đó có nằm trong giới hạn của luật cho phép hay không? Giảm chuẩn PCCC của những chung cư như vậy thì phải được đánh giá kỹ và cách tốt nhất là công khai minh bạch điều kiện PCCC trước kia và hiện nay, giải pháp thế nào mọi người dân biết giám sát vấn đề này.
“Nếu hạ chuẩn vượt giới hạn của luật cho phép thì theo quan điểm của tôi thì thà bỏ đi một công trình còn hơn để người dân sống ở đó mà nguy hiểm tới tính mạng. Công trình mà hạ chuẩn dưới ngưỡng tối thiểu để rồi xảy ra một vụ Carina Plaza thứ 2 thì không thể chấp nhận được” – luật sư Trương Anh Tuấn nói.
Với những trường hợp khi chủ đầu tư dự án chung cư vi phạm những quy định về PCCC, Luật sư Trương Anh Tuấn phân tích: Việc vi phạm của chủ đầu tư rất nghiêm trọng vì vi phạm này ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của cư dân. Người mua nhà có thể lựa chọn việc hủy hợp đồng và đòi lại tiền. Mặt khác, người mua nhà có thể yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục một cách thỏa đáng, dưới sự giám sát của chính các cư dân.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải có những biện pháp xử lý các chủ đầu tư vi phạm. Vi phạm về PCCC đối với các dự án chung cư là những vi phạm về thay đổi thiết kế.