Tính chung, trong hơn 1 tuần đầu tháng 1/2012, NHNN đã bơm ròng 26.000 tỷ đồng qua OMO, nhằm giúp đỡ thanh khoản cho các NHTM trong thời điểm giáp Tết.

Tết về, thanh khoản lại căng

Nhu cầu rút tiền mặt dịp Tết của DN và người dân tăng cao


Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ra thị trường 15.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ ngày 1/6/2011, đồng thời, tăng thời gian cho vay trên thị trường mở (OMO) từ 14 ngày lên 21 ngày.

Các nhà phân tích nhận định, việc NHNN mạnh tay bơm vốn trên OMO nhằm giúp đỡ thanh khoản cho các NHTM vì thời điểm giáp Tết, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn cần vốn để kinh doanh và trả lương, thưởng cho cán bộ nhân viên nên cầu tiền mặt tăng đột biến.

Tính chung, trong hơn 1 tuần đầu tháng 1/2012, NHNN đã bơm ròng 26.000 tỷ đồng qua OMO. Trên thực tế, căng thẳng thanh khoản trong những tháng cận Tết không còn là chuyện mới. Cách đây vài năm, giới thạo tin trong hệ thống ngân hàng cho biết, đến ngày 26 Tết Nguyên đán, một ngân hàng có gốc quốc doanh “được” khách hàng rút ra gần 4.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, căng thẳng thanh khoản của năm nay có chiều hướng dữ dội hơn. Tại buổi tọa đàm: “Triển vọng kinh tế 2012: Cơ hội và thách thức”, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tình trạng mặc cả lãi suất đã tái hiện tại một số NHTM trong thời gian gần đây.

“Lãi suất huy động “chui” tại các ngân hàng có lúc lên đến 19 - 20%/năm, đỉnh điểm là 21%/năm, cao hơn nhiều so với trần 14%/năm được NHNN yêu cầu tuân thủ; lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng bị đẩy lên cao. Điều này phản ánh phần nào tình trạng căng thẳng về nguồn tiền của các ngân hàng dịp giáp Tết”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Phó tổng giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một NHTMCP chia sẻ với ĐTCK, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng ngày 9/1 tăng khoảng 1% so với điểm cao nhất của cuối tuần trước. Trong khi đó, theo số liệu được NHNN công bố, tổng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong ngày 4/1 đạt trên 40.000 tỷ đồng. Kỳ hạn qua đêm và 1 ngày có lượng giao dịch lớn nhất, đạt trên 14.000 tỷ đồng và 18.000 tỷ đồng. Lãi suất bình quân qua đêm liên ngân hàng ngày 4/1 được công bố ở 14,39%/năm, lãi suất các kỳ hạn khác được dao động xấp xỉ 14 - 15%/năm. Đặc biệt, trong 2 ngày 3 - 4/1/2012, lãi suất trên thị trường này ở kỳ hạn 12 tháng bất ngờ vọt lên 22,8%/năm - mức cao nhất trong 2 tháng qua. Lần gần đây nhất, lãi suất kỳ hạn này đạt mức kỷ lục là vào ngày 7/11 năm ngoái, khi đạt tới 36,58% một năm.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định, thanh khoản là căn bệnh mãn tính của các ngân hàng. Do huy động ngắn hạn nhưng cho vay dài hạn nên các ngân hàng thường trực thiếu thanh khoản. Mặt bằng lãi suất huy động hiện nay cũng cho thấy rõ điều này khi lãi các kỳ hạn dài lại thấp hơn kỳ hạn ngắn. Vì vậy, về lâu dài, cần tạo thị trường vốn dài hạn, vững chắc; tạo thị trường trái phiếu; phai biến tiết kiệm thành đầu tư... Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế, thanh khoản căng thẳng nguyên nhân chủ yếu do người dân mất niềm tin vào tiền đồng.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nghĩa cho rằng: “Vấn đề ảnh hưởng lớn nhất cho kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2012 chính là thanh khoản của hệ thống ngân hàng”. Theo ông Nghĩa, nhiệm vụ trọng tâm nhất và cần thực hiện ngay trong quý I/2012 là ổn định thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Để giải quyết vấn đề này, cần phải tiến hành đồng bộ thông qua các công cụ sau:

Thứ nhất, cần thực hiện các công cụ tái cấp vốn để giải quyết kịp thời những khó khăn với thanh khoản của các ngân hàng nhỏ càng sớm càng tốt, trước khi dân chúng có thể rút tiền gửi ra khỏi ngân hàng.

Thứ hai, NHNN có thể tăng dự trữ bắt buộc với lãi suất hợp lý để tạo nguồn cho NHNN điều hòa vốn từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu. Đồng thời, cũng giải quyết được vấn đề các ngân hàng thừa vốn nhưng không dám cho các ngân hàng thiếu vốn vay, hoặc các ngân hàng thiếu không có tài sản đảm bảo để vay.

Thứ ba, NHNN cần phải có cơ chế nhanh chóng và có hiệu lực để mở rộng kinh doanh bằng tài khoản cho một số NHTM nhằm biến nguồn vàng vật chất ở các NHTM (khoảng 100 tấn) trở thành nguồn tiền bằng ngoại tệ hoặc nội tệ để bổ sung vào thanh khoản của hệ thống.

Và khi thanh khoản đã được củng cố, NHNN có thể bỏ trần lãi suất tiền gửi và áp dụng các công cụ hữu hiệu khác của chính sách tiền tệ để kiểm soát tín dụng, chống chạy đua lãi suất.

Theo Hồng Dung (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.