Ảnh minh hoạ.
Trong đó, Techcombank cho biết, thu nhập từ lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ (không bao gồm thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư) trong năm 2022 tăng trưởng mạnh, đóng góp chính nâng tổng thu nhập hoạt động lên 40,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập từ lãi đạt 30,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ tăng trưởng danh mục tín dụng với biên lãi thuần (tính trong 12 tháng) được quản lý ở mức 5,1%. Biên lãi thuần giảm do chi phí vốn tăng 64 điểm phần trăm so với cùng kỳ, lên mức 2,9%.
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ 1 tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 9,7 nghìn tỷ, đóng góp bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của các dịch vụ cốt lõi như: thu phí từ dịch vụ thẻ đạt 1.980,6 tỷ đồng (tăng 83,5% so với cùng kỳ); Thu phí từ dịch vụ bảo hiểm (đạt 1.750,6 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái)…
Trong năm 2022, thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) của Techcombank giảm 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,6 nghìn tỷ. Tâm lý kém tích cực của nhà đầu tư, các thay đổi mới trong quy định liên quan đến thị trường trái phiếu, bất động sản hay lãi suất tăng cao... đặc biệt trong quý 4 đã ảnh hưởng kép tới kết quả và thanh khoản thị trường cũng như tư vấn trái phiếu của ngân hàng, đặc biệt trong nửa cuối năm.
Trên báo cáo hợp nhất, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 40,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 226,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,1% danh mục tín dụng của Ngân hàng (tăng từ mức 39,4% tại ngày 31 tháng 12 năm 2021). Dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 7,3% so với cùng kỳ, đạt 69,4 nghìn tỷ đồng.
Techcombank cho biết, bối cảnh môi trường lãi suất cao trên toàn cầu, thanh khoản hệ thống bớt dồi dào và tâm lý tiêu cực về thị trường bất động sản và trái phiếu đã góp phần khiến số dư CASA sụt giảm, do khách hàng có xu hướng giảm nắm giữ tiền mặt để đầu tư hay chi tiêu và tăng mở tài khoản tiết kiệm.
Tổng tiền gửi tại ngày 31/12/2022 là 358,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 225,9 nghìn tỷ đồng, tăng 44,9% so với cùng kỳ và số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 132,5 nghìn tỷ đồng.
Tại sự kiện trực tuyến định kỳ “Gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân và công bố kết quả kinh doanh Quý 4 năm 2022” diễn ra vào ngày 2/2/2023, nói về dự thảo nghị định 65 liên quan đến mảng trái phiếu doanh nghiệp, ông Jens Lotter – Tổng giám đốc của Techcombank cho biết, mảng trái phiếu của Techcombank gặp một số khó khăn do một số tình huống ở trên thị trường nhưng một số danh mục đã tăng trưởng khoảng trên 30% và so với năm ngoái Techcombank cũng đã đa dạng hoá danh mục kinh doanh.
Chia sẻ đánh giá về thị trường trái phiếu trong năm 2023-2024 trong bối cảnh nhu cầu về trái phiếu và bất động sản thấp trong thời gian gần đây, ông Alexandre Macaire – Giám đốc Tài chính tập đoàn của Techcombank cho hay, mảng kinh doanh trái phiếu và bất động sản là hai trong số những mảng kinh doanh quan trọng của Techcombank và đã tăng trưởng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Chúng tôi cũng tin rằng các nhà đầu tư hiện nay đã nhận thức được các rủi ro liên quan đến thị trường trái phiếu và bất động sản trong thời gian tới. Cách làm của chúng tôi là chúng tôi sẽ tiếp tục tạo sự khác biệt với các sản phẩm về trái phiếu và cho vay mua bất động sản của chúng tôi. Trái phiếu được khởi tạo, phân phối bởi Techcombank cũng bị ảnh hưởng một phần trong thời gian vừa rồi. Hiện chúng tôi khá thận trọng và hy vọng hai mảng này chúng tôi sẽ đạt mức vượt kết quả năm 2022”, Giám đốc Tài chính tập đoàn của Techcombank cho hay.
-
38% trái phiếu bất động sản phát hành năm 2022 không có bảo đảm hoặc chỉ được bảo đảm bằng cổ phiếu
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), khoảng 38% trái phiếu bất động sản phát hành năm 2022 không có bảo đảm hoặc chỉ được bảo đảm bằng cổ phiếu (tỷ lệ này tăng từ mức 29% trong năm 2021 mặc dù cổ phiếu bất động sản biến động giá không thuận lợi để trở thành tài sản thế chấp). Hầu hết các tổ chức phát hành trái phiếu bất động sản năm 2022 là công ty chưa niêm yết, chiếm 71,6%.