10/04/2011 12:07 AM
Việc di dời trung tâm hành chính để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết nhưng cần quản lý chặt để tránh tình trạng đầu cơ, sốt đất ảo

Sau các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương…, đến lượt Tây Ninh cũng bắt đầu có chủ trương dời trung tâm hành chính về khu vực mới để đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Việc dời “đô” này đang được người dân trong và ngoài tỉnh có nhu cầu đầu tư đang hết sức quan tâm.

Về chân núi Bà Đen?
Theo chủ trương phát triển kinh tế - xã hội được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ IX, phấn đấu đến năm 2015, thị xã Tây Ninh trở thành đô thị loại III và đến năm 2020, tỉnh Tây Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, góp phần thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Để cụ thể hóa các mục tiêu này, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, cho biết đã thuê các chuyên gia nước ngoài giỏi về quy hoạch kiến trúc tham gia xây dựng các phương án quy hoạch cũng như chọn địa điểm phù hợp để thực hiện phương án di dời trung tâm hành chính của tỉnh đến địa điểm mới.
Vấn đề quan trọng là cần có những phản biện cụ thể, chi tiết giúp địa phương này đánh giá những ưu, khuyết điểm khi lựa chọn phương án cụ thể.


Khu vực gần núi Bà Đen-nơi dành cho trung tâm hành chính tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Ngọc Tấn

Mới đây, ngày 31-3, sau phiên họp với đơn vị tư vấn về các phương án quy hoạch tổng thể thị xã Tây Ninh đáp ứng tiêu chí trở thành đô thị loại III vào năm 2015, các cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh đã thống nhất một số vấn đề cơ bản. Theo đó, các cơ quan hành chính của tỉnh sẽ được bố trí dọc hành lang phát triển đô thị phía Đông Bắc, phía Nam giao lộ Bời Lời - Tỉnh lộ 784, gần khu vực núi Bà Đen và hồ Dầu Tiếng.

Sẽ có lộ trình di dời

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, đã đề nghị các cơ quan chức năng và đơn vị tư vấn cần có giải pháp bảo đảm trung tâm hành chính mới liên kết hài hòa, hợp lý với các khu chức năng, đặc biệt là phải bảo đảm khu vực này không trở thành “thành phố vắng” về đêm; các đồ án quy hoạch phải thỏa mãn được các mục tiêu yêu cầu của tỉnh, tránh điều chỉnh, xáo trộn đối với những khu vực đô thị còn phù hợp.

Trước mắt, các đơn vị có liên quan phải đề xuất cụ thể về lộ trình, giải pháp thực quy hoạch tổng thể thị xã Tây Ninh, đặc biệt là việc di dời trung tâm hành chính tỉnh đến vị trí mới.

N.Tấn

Nếu xây dựng trung tâm hành chính mới tại đây, mức độ kết nối với các vị trí khác trong tỉnh rất cao vì cả hai đường Bời Lời và 784 có vai trò rất quan trọng đối với du lịch dẫn đến núi Bà Đen và hồ Dầu Tiếng. Ngoài ra, khu vực này cũng thuận lợi trong việc triển khai xây dựng khu đô thị mới, giảm thiểu chi phí vì địa hình bằng phẳng, không ngập lụt.
Cải tạo đô thị cũ
Tây Ninh có diện tích tự nhiên hơn 4.000 km2, nằm ở vị trí cầu nối giữa TPHCM và Campuchia và là một trong những tỉnh nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Từ những lợi thế của địa phương, đơn vị tư vấn là Công ty Hansen Partnership Pte Ltd đã đưa ra những tính toán, cụ thể như: Tổng dân số của thị xã Tây Ninh đến năm 2020 ước khoảng hơn 153.000 người, đến năm 2050 gần 262.000 người; diện tích đất cần cho nhà ở, việc làm, không gian công cộng đến năm 2020 là 502 ha, năm 2050 gần 3.000 ha.
Còn ông Laury Wilson, đại diện đơn vị trên, cho rằng thị xã Tây Ninh hiện hữu nên tập trung du lịch vùng và địa phương để cung cấp khách sạn và các tiện ích du lịch khác. Để thực hiện mục tiêu này, đơn vị tư vấn cho rằng cần phải di dời các cơ quan quản lý hành chính và chính trị của địa phương ra khỏi vị trí hiện tại nhằm nhường chỗ cho các hoạt động thương mại - dịch vụ tập trung. Vì hiện nay các cơ quan hành chính nằm rải rác trên trục đường chính ngay trung tâm, làm hạn chế việc vận hành đô thị, phát triển kinh tế.
Công ty Hansen Partnership đã đề xuất 3 phương án di dời, trong đó phương án di dời trung tâm hành chính tỉnh ra hành lang phát triển đô thị phía Đông Bắc, phía Nam giao lộ Bời Lời - 784 có nhiều ưu thế về việc phân bố trụ sở các cơ quan chức năng, quy hoạch, tận dụng cảnh quan tự nhiên, lợi thế về vị trí địa lý… Khu vực này là vị trí thuận lợi để tạo ra một kết cấu nổi bật, các tòa nhà trung tâm tỉnh cao 15-20 tầng chiếm lĩnh toàn bộ cảnh quan xung quanh núi Bà Đen. Toàn bộ hoạt động phát triển đô thị tương lai theo nguyên tắc “thành phố Eco kép” (thành phố sinh thái – kinh tế), đặc biệt cung cấp hiệu quả về cơ sở hạ tầng, vật chất và xã hội…
Nhận định về việc trên, các chuyên gia địa ốc cho rằng việc di dời trung tâm hành chính tỉnh Tây Ninh để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết nhưng cần quản lý chặt để tránh tình trạng đầu cơ, sốt đất ảo như đã xảy ra tại một số địa phương trước đây, gây khó khăn trong việc đền bù cũng như thiệt thòi cho người dân mua nhà đất đón quy hoạch.
Cafeland.vn - Theo Người Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.