“Sẽ tạo tác dụng cộng hưởng tới thị trường Bất động sản”
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Tôi cho rằng, các Thông tư 11/2013 của Ngân hàng Nhà nước và 07/2013 của Bộ Xây dựng đưa ra vào thời điểm này là đúng lúc và đúng đối tượng, bởi nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng đã có dấu hiệu tốt lên.
Theo đánh giá và nghiên cứu của các công ty nghiên cứu thị trường như CBRE, Savills, những dự án sắp hoàn thiện hoặc đã hoàn thiện là những dự án thu hút nhiều người mua quan tâm nhất hiện nay. Ngoài ra, các dự án có diện tích căn hộ nhỏ, dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 thu hút nhiều người có thu nhập trung bình, có nhu cầu về nhà ở, nhưng không đủ nguồn lực để mua. Do vậy, gói hỗ trợ đưa ra vào thời điểm này đáp ứng được nhu cầu của người dân, vào các đối tượng cụ thể, nên sẽ có tác dụng cộng hưởng tới thị trường bất động sản.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, riêng các bộ, ngành Trung ương đăng ký mua nhà ở xã hội lên đến gần 100.000 căn. Đây là thị trường rất rộng lớn và chúng ta bước đầu cũng đã tạo nguồn cung. Cụ thể, cả nước có khoảng 60 dự án nhà ở xã hội đang trong quá trình triển khai, kể cả các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi. Trong đó, trong tháng 5 và tháng 6 này, Hà Nội sẽ có 5 - 7 dự án nhà ở xã hội được động thổ, khởi công, không kể các dự án đang được triển khai.
“Gói 30.000 tỷ đồng không phải để giải cứu bất động sản”
Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN
Ngày 15/5, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng cùng ký các thông tư để hướng dẫn việc cho vay mua nhà thu nhập thấp, nhà xã hội, người xây nhà xã hội theo quy định của Nghị quyết 02 của Chính phủ. Với những quy định cụ thể trong 2 thông tư này, việc đưa ra nguồn vốn 30.000 tỷ đồng sẽ đến đúng đối tượng.
Người vay phải đáp ứng đủ các điều kiện, được địa phương, hay cơ quan quản lý xác nhận và sau đó là ngân hàng thẩm định… Ngoài ra, quy định của Thông tư 11/2013 của Ngân hàng Nhà nước cũng để có các ngân hàng thương mại được chỉ định dựa trên những quy định cụ thể đang cho vay áp dụng với khách hàng, vì vậy, không có việc các ngân hàng hạ chuẩn tín dụng để mắc bẫy nợ xấu, tự làm khó mình sau này. Bên cạnh đó, công tác thanh tra kiểm tra tích cực triển khai nên rất khó xảy ra trục lợi. Nếu phát hiện sai phạm, ngay lập tức ngân hàng sẽ thu hồi lại vốn vay. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi quá trình triển khai, trong trường hợp thực sự có hiệu quả đối với nền kinh tế và cân đối giữa chính sách tiền tệ và lạm phát..., Ngân hàng Nhà nước sẽ có đề xuất cụ thể.
Tôi nhắc lại, gói 30.000 tỷ đồng không phải để giải cứu bất động sản, không có chuyện cứu nhà giàu, mà ở đây là hướng vào đối tượng thu nhập thấp, công nhân viên chức… nhóm người có nhu cầu thực sự về nhà ở nhưng nguồn lực còn hạn chế. Do đó, gói tín dụng này mang ý nghĩa an sinh xã hội lớn, nhưng đồng thời cũng giúp tạo sự lan tỏa, hỗ trợ cho thị trường bất động sản.
“Gói 30.000 tỷ đồng sẽ có tác động rất lớn đến thị trường”
Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Reenco Sông Hồng
Có một số ý kiến cho rằng, gói 30.000 tỷ đồng là quá nhỏ để gỡ khó cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, phân khúc giá thấp là những đối tượng được hưởng ưu đãi, hiện chiếm khoảng 20% thị trường, nên gói hỗ trợ theo tôi, chắc chắn sẽ có những tác động rất lớn đến thị trường.
Trong bối cảnh thị trường khó khăn về vốn, nếu dòng vốn này được lưu thông, phân khúc nhà giá rẻ và nhà xã hội sẽ ấm lên, từ đó sẽ có tác động đến toàn thị trường, chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi các đối tượng được ưu đãi.
Thế nhưng, thông tư hướng dẫn đã có, việc thị trường chuyển biến nhanh hay chậm, nhiều hay ít, lại phụ thuộc vào cách các cấp, ngành liên quan triển khai nó ra sao. Vì thế, để chính sách này phát huy tác dụng, theo tôi, Bộ Xây dựng vẫn cần quyết liệt hơn nữa, trong khi các cấp địa phương cũng phải bắt tay vào triển khai ngay.
“Gói 30.000 tỷ đồng có sức lan tỏa mạnh”
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Thủ Đức
Gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng có sức lan tỏa rất mạnh trong lúc thị trường bất động sản thiếu vốn, lãi suất cao như hiện nay. Có thể nói, đây là chính sách hay và kịp thời đối với thị trường bất động sản. Gói hỗ trợ sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, đặc biệt là phân khúc nhà giá thấp và trung bình, phù hợp với nhu cầu của đại đa số người lao động có thu nhập thấp.
Thực tế, bất động sản thiếu vốn, cần vốn dài hạn, trong khi ngân hàng thừa thanh khoản, nhưng chỉ cho vay vốn lưu động, cùng lắm là vốn trung hạn. Vì vậy, gói 30.000 tỷ đồng được ban hành rất có ý nghĩa đối với thị trường, tuy nhiên, thực tế triển khai chính sách này như thế nào thì còn phải đợi.
“Khó thay đổi tình hình chung của thị trường”
Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Từ Liêm
Theo tôi, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ có tác động đến thị trường bất động sản, song chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng, bởi đối tượng được hưởng ưu đãi bị khống chế là nhà ở xã hội và nhà thương mại giá dưới 15 triệu đồng/m2, diện tích dưới 70 m2.
Trong khi đó, hiện có rất ít dự án nhà xã hội đang mở bán, đa số đang trong quá trình xin phép đầu tư, hoặc chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Vì vậy, nếu muốn mua nhà ở xã hội, người có nhu cầu sẽ phải chờ. Còn với nhà thương mại, mức giá dưới 15 triệu đồng/m2, thường là những dự án ở những vị trí xa, không mấy thu hút người mua. Về phía các doanh nghiệp, với các điều kiện được đưa ra như các thông tư của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng, thì nhiều doanh nghiệp thiếu vốn sẽ không đủ điều kiện để tiếp cận, trong khi các doanh nghiệp đủ điều kiện vay cũng sẽ phải cân nhắc kỹ. Vì thế theo tôi, việc hấp thụ được 30.000 tỷ đồng không hề đơn giản.
Theo tôi, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chỉ giúp thanh khoản của nhà xã hội tăng lên, chứ thị trường bất động sản nói chung sẽ không có nhiều thay đổi trong những tháng cuối năm.