Nếu kích hoạt “kính hiển vi”
Theo tính chất dây chuyền, nếu áp dụng ngay Thông tư 02 – được ví như là “kính hiển vi” soi nợ xấu, thì tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng có thể sẽ tăng lên gấp đôi. Thậm chí có ngân hàng thương mại (NHTM) còn có tỷ lệ nợ xấu lên tới 10-20%.
Con số nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới công bố cho thấy, số nợ xấu đã giảm được 1% so với năm 2013 (ở mức 3,79%), tuy nhiên đó chỉ là số liệu khi Thông tư 02 chưa chính thức có hiệu lực, nếu “kính hiển vi” soi nợ xấu phát huy hiệu lực thì không ít “ông lớn” trong hệ thống sẽ có tỷ lệ nợ xấu cao ngất ngưởng. Trước đó, giữa năm 2013, nợ xấu mà các nhà băng tự báo cáo ở khoảng 193.000 tỷ đồng (chiếm 25% số nợ xấu toàn hệ thống).
Thống kê con số nợ xấu của các ngân hàng thương mại sau khi đã chuyển nhượng một phần nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) thời gian vừa qua cũng đã dễ dàng thấy được điều đó. Điển hình như, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), sau khi đã bán 2.534 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC thì số nợ xấu tồn lưu trong ngân hàng suýt soát 33.500 tỷ đồng. Tương tự Agribank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) còn tới 3.000 tỷ đồng nợ xấu; Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng chiếm số lượng nợ xấu khá lớn trong hệ thống khoảng 3,6%. Chưa kể, tỷ lệ nợ xấu đang có chiều hướng ngày càng tăng ở các Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank) từ mức 2-3%....
Như vậy, nếu thực hiện ngay Thông tư 02 thì theo như khẳng định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, bức tranh nợ xấu của các TCTD sẽ được sáng tỏ hơn, khi đó việc phân loại nợ xấu cũng như cách tính tỷ lệ nợ xấu theo đó cũng sẽ chính xác và thống nhất hơn.
Tạo “cơ hội” hay “che đậy”?
Thông tư 02/2013 (về phân loại nợ của các TCTD) sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2014. Tuy nhiên, NHNN cho biết có 4 nội dung trong đó đã được chỉnh sửa cho thích hợp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng trong sản xuất kinh doanh:
Thứ nhất, là quy định trái phiếu đặc biệt mà TCTD bán nợ cho VAMC anhận được không phải phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.
Thứ hai, bổ sung quy định việc phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với điều kiện chặt chẽ hơn, yêu cầu TCTD phải bảo đảm kiểm soát được từng khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, kiểm soát chất lượng tín dụng và hạn chế sự lợi dụng để che giấu nợ xấu.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về nợ vi phạm pháp luật và nợ vi phạm quy định nội bộ của TCTD, chi nhánh ngân hàng phải được phân loại vào nợ xấu theo hướng: Chỉ phân loại nợ vi phạm vào nhóm nợ xấu theo kết luận thanh tra và các khoản nợ vi phạm pháp luật quy định tại Luật các TCTD.
Thứ tư, các NHTM chưa phải thực hiện quy định về việc TCTD phải điều chỉnh kết quả phân loại nợ theo kết quả phân loại nợ của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) theo hướng cho phép các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho đến ngày 31/12/2014.
Trao đổi về vấn đề này, trong dư luận vẫn còn khá nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến thì lo ngại, nếu lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02 rủi ro chính là rất lớn. Điều đó sẽ tiếp tục tạo tâm lý ỷ lại, ảo tưởng về sự an toàn cho các tổ chức tín dụng và tình trạng giấu nợ xấu sẽ tiếp diễn, đồng thời với đó sức ép bán nợ xấu cho VAMC theo đó cũng giảm nhiệt. Nói tóm lại, việc chỉnh sửa Thông tư 02 sẽ chỉ giúp cho các TCTD che đậy thực trạng nợ xấu và khiến cho hành trình xử lý nợ xấu kéo dài và gian nan hơn.
Tuy nhiên cũng không ít ý kiến cho rằng, việc chỉnh sửa Thông tư 02 sẽ hỗ trợ rất nhiều cho nền kinh tế. Một mặt giúp doanh nghiệp không bị rơi vào vòng cùng quẫn và vẫn có cơ hội tiếp cận tới vốn tín dụng. Mặt khác cũng giúp các TCTD có cơ hội xử lý các khoản nợ, có thêm thời gian hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn.
Giải tỏa mối nghi ngại trong dư luận, NHNN cũng đã chính thức nêu quan điểm, Thông tư 02 sẽ được triển khai đúng theo như lộ trình đã vạch sẵn, chỉ khác ở điểm là giãn thời gian phân loại nợ cho các TCTD cho đến hết năm 2014, trong thời điểm đó NHNN hoàn toàn có thể kiểm soát một cách chặt chẽ về các điều kiện để TCTD được cơ cấu lại, hạn chế việc cơ cấu lại nợ và phân nhóm nợ để che giấu nợ xấu, che giấu chất lượng tín dụng.