Tín dụng vẫn tăng dè dặt. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).
Tăng trưởng “ì ạch”
Tại hội thảo “Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại hiện nay-Thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Ngân hàng và Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực VietinBank phối hợp tổ chức ngày 16/9 tại Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành Kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đạt 5,82%.
Theo đánh giá của ông Phạm Huy Thông, Phó Tổng giám đốc VietinBank, mức tín dụng trên của toàn ngành là còn thấp.
Có nhiều nguyên nhân, song ông Thông cho rằng cơ bản nhất vẫn là vấn đề "sức khỏe" của doanh nghiệp còn hạn chế và là rào cản về nợ xấu. Cụ thể, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt lĩnh vực thép, xi măng giảm mạnh do cầu trong nước giảm.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng của kinh tế khó khăn, hoạt động co cụm, tài chính không minh bạch, điều kiện vay vốn hạn chế. Khi tiếp cận vay vốn thì tình hình tài chính và tài sản đảm bảo là thách thức lớn với các doanh nghiệp này.
Trong khi đó, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đa phần chủ động về vốn do công ty mẹ nước ngoài chuyển về, các ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngoại tệ, nhưng các công ty này vẫn tìm mọi cách chuyển giá, lỗ giả lãi thật. Cùng lúc, tín dụng tiêu dùng cũng trầm lắng do các cá nhân có xu hướng cắt giảm chi tiêu.
Đại diện VietinBank cho biết, tính đến hết tháng Tám, tăng trưởng tín dụng Ngân hàng này xấp xỉ 6%, tuy nhiên dòng vốn chủ yếu chảy vào trái phiếu, tín phiếu trong khi vốn kinh doanh khá hạn chế.
Ông Lê Công, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) cũng cho rằng sức cầu yếu của nền kinh tế chưa được cải thiện, hàng tồn kho vẫn ở mức cao, do đó các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán tồn kho mà chưa nghĩ đến việc mở rộng sản xuất kinh doanh.
“Niềm tin của doanh nghiệp về sự phục hồi của nền kinh tế tương đối mong manh, do đó, các doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn đầu tư mà chủ yếu ở tư thế phòng thủ, chờ đợi những tín hiệu tích cực và rõ nét hơn về một chu kỳ phục hồi, tăng trưởng,” ông Công nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa cũng được nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng, “cục máu đông” nợ xấu vẫn chưa được khơi thông, thậm chí nợ xấu toàn hệ thống có dấu hiệu tăng, vượt mức 4%. Dù Ngân hàng Nhà nước đã tích cực xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại thông qua Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhưng chất lượng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng chưa có dấu hiệu cải thiện do tình hình tài chính của các doanh nghiệp không có nhiều khởi sắc trong bối cảnh kinh tế chỉ phục hồi ở mức vừa phải.
Một trong những ngân hàng hiếm hoi có mức tăng trưởng khá ở thời điểm này là Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank). Ông Đặng Bảo Khánh, Tổng Giám đốc SeABank chia sẻ, 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này mới đạt 6% nhưng đến nay con số này đã là 17%.
Ông Khánh lý giải hai tháng qua ngân hàng đã tích cực giải ngân được những khoản vay lớn đồng thời đưa ra nhiều sản phẩm tín dụng theo từng lĩnh vực nên đã đạt được con số như trên. Ông Khánh cũng cho biết thêm, ngân hàng đang gửi hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước xin nới “quota” tăng trưởng tín dụng lên 25% thay vì mức 13% như hồi đầu năm.
Không nên “ăn xổi ở thì”
Muốn tăng trưởng bền vững, có lợi nhuận tốt, các chuyên gia cho rằng tổ chức tín dụng phải xác định có chiến lược đầu tư bài bản, đúng đắn không xa rời mục tiêu ban đầu, "không ăn xổi ở thì."
Ông Đông cho biết, để cải thiện tăng trưởng tín dụng, trong những tháng còn lại của năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên; nhu cầu vốn thực hiện các công trình cấp bách, dự án trọng điểm quốc gia… tạo cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực đang cần đầu tư tín dụng để vượt qua khó khăn, tạo sức lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực sản xuất khác như lĩnh vực bất động sản.
Ở góc độ ngân hàng, lãnh đạo OceanBank cũng cho biết sẽ đẩy mạnh thu hút khách hàng cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng sẽ đẩy mạnh việc cho vay vốn ngắn hạn, giảm tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn.
Còn đối với SeABank, ông Khánh cũng chia sẻ, đã không còn thời "ngồi mát ăn bát vàng" như trước kia, thời mà doanh nghiệp “nài nỉ” mãi ngân hàng mới cho vay. Hiện giờ các ngân hàng phải tích cực tìm kiếm các khách hàng có đủ điều kiện vay. Trước kia, với các khoản vay nhỏ nhiều ngân hàng không quan tâm, thì nay phải đa dạng để điều chỉnh theo từng lĩnh vực chứ không thể trông chờ dồn tín dụng vào một lĩnh vực, tránh rủi ro khi lĩnh vực đó gặp khó khăn. Thậm chí với các doanh nghiệp lớn mạnh, uy tín, thì ngân hàng phải xem xét cho vay tín chấp, nếu khi cho vay mà cứ "máy móc" bắt buộc đòi tài sản đảm bảo thì sẽ khó cạnh tranh.
Dưới góc độ chuyên gia, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi cho rằng, ngân hàng cần nghiên cứu để áp dụng lãi suất trung và dài hạn phù hợp hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tốt.
“Như hiện nay nhiều ngân hàng đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi nhưng chỉ ưu đãi một năm đầu còn những năm sau sẽ theo lãi suất thị trường mà lại do ngân hàng quyết định nên nhiều ngân hàng vẫn còn có tâm lý e ngại,” bà Mùi nhấn mạnh.
Còn ông Cấn Văn Lực, Giám đốc trường đào tạo cán bộ BIDV thì lại cho rằng, không chỉ dựa hết vào ngân hàng mà doanh nghiệp cần phải linh hoạt trong mọi tình huống thì mới có thể tháo gỡ được khó khăn trong thời điểm hiện nay.
Ông Lực gợi ý, doanh nghiệp có thể giảm giá, đưa hàng về nông thôn và cũng cần phải có thiện chí hợp tác, phối hợp với tổ chức tín dụng trong cơ cấu lại nợ, thanh toán nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải thực hiện quyết liệt tái cơ cấu nâng cao chiến lược quản trị doanh nghiệp bằng việc áp dụng các thông lệ và chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro./.