Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nhiều tín hiệu vui
Trước những diễn biến tích cực của thị trường và sự ổn định của kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, lãi suất huy động ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Đến cuối năm 2013, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng dao động quanh mức 2-5%/năm tùy theo kỳ hạn, lãi suất huy động và cho vay VND trên thị trường giảm 2-5%/năm, tương đương với mức lãi suất trong các năm 2005-2006, từng bước chấm dứt tình trạng cạnh tranh qua lãi suất. Điều này đã làm giảm áp lực chi phí vay vốn giúp kích thích doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh, gia tăng tổng cầu của nền kinh tế.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, trong những năm gần đây, tín dụng thường tăng trưởng mạnh trong quý IV. Cụ thể, quý IV/2010 là 9,13%, quý IV/2011 là 5,44%, quý IV/2012 là 6,01%. Tính đến ngày 25/11/2013, dư nợ tín dụng tăng 7,54% so với cuối năm 2012. Đặc biệt, ở một số lĩnh vực như nông nghiệp nông thôn, tín dụng đã có mức tăng trưởng khá, đạt trên 10%. Với các giải pháp đã và đang được hệ thống ngân hàng tích cực triển khai, NHNN tin tưởng rằng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống của cả năm 2013 sẽ đạt khoảng 11-12% như mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.
Tín dụng năm 2013 có nhiều khả năng không đạt được kế hoạch đã định, tuy nhiên với những đánh giá về tăng trưởng kinh tế năm 2014 nhiều khởi sắc, một số chuyên gia kinh tế và trung tâm nghiên cứu đã lạc quan đưa ra mức dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2014 lên tới 15%.
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho rằng dù có sôi động trong những ngày cuối năm nhưng khả năng tăng trưởng tín dụng của Eximbank trong cả năm cũng chỉ có thể đạt mức hơn 10% so với chỉ tiêu của ngân hàng đưa ra là 15%. Người đứng đầu Eximbank nhận định, phải mất một, hai năm nữa tình hình kinh tế mới thực sự được cải thiện.
Không ít nỗi lo
Trong khi NHNN tỏ ra lạc quan về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm 2013, các ngân hàng thương mại (NHTM) lại cho rằng mục tiêu này sẽ khó đạt được, bởi để đạt được con số này, trong 1 tháng trên toàn hệ thống phải tăng trưởng tín dụng gần 5%. Ðây là một thách thức không nhỏ đối với toàn hệ thống ngân hàng khi hiện tại lực cầu tín dụng của nền kinh tế chưa cao.
Ông Trần Xuân Quảng - Phó Tổng Giám đốc NHTM Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) cho biết: “So với thời điểm này các năm trước, nhu cầu vốn của DN hiện nay không cao. Kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn. Nhu cầu về đầu tư mở rộng sản xuất của các DN thấp hơn nhiều so với các năm, việc tính toán lựa chọn triển khai dự án cũng rất thận trọng. Khó khăn cũng khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hạn chế sức tiêu thụ hàng hóa của các DN”.
Chuyên gia tài chính ngân hàng - TS. Cấn Văn Lực cũng nhận định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở khoảng 12% là con số định hướng, khuyến khích. Tuy nhiên, chúng ta không tăng trưởng bằng mọi giá mà tăng trưởng về số lượng phải đi với chất lượng. Trong quý IV, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu mạnh hơn bởi lãi suất đã xuống mức thấp, nền kinh tế cũng đã ấm lên, những gói hỗ trợ tín dụng sẽ đi vào cuộc sống ở mức độ khẩn trương hơn so với đầu năm.
Chỉ còn ít ngày nữa là hết năm, các ngân hàng không nên đánh đổi bằng mọi giá để đạt được mục tiêu đề ra. Điều quan trọng là các ngân hàng cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý rủi ro, xử lý nợ xấu để khơi thông nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tín dụng. Chủ động rà soát, tăng cường tiếp cận khách hàng, đánh giá và chọn lọc khách hàng phù hợp có khả năng vượt qua được khó khăn trước mắt để tin tưởng giải ngân. Đồng thời, các DN cũng phải nỗ lực vượt bậc để thay đổi, cải thiện năng lực tài chính và kinh doanh, thể hiện được khả năng sử dụng vốn tín dụng một cách an toàn, hiệu quả.