20/02/2014 4:10 PM
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/1/2014, tín dụng của nền kinh tế ước giảm 1,21%. Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận xét: “Tháng 1, tăng trưởng tín dụng ở mức âm là để đúng với thực chất hơn so với cuối năm trước. Đây là câu chuyện lặp lại từ nhiều năm qua, khi các ngân hàng đẩy tín dụng kỹ thuật để tạo room (chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm mới)”.

Chia sẻ với ĐTCK, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2013 trên mức 12%, nhưng nếu trừ đi lạm phát, trừ đi lãi nhập vào gốc, trừ đi những khoản tăng “giả tạo” bởi ngân hàng A cho ngân hàng B vay, thì tăng trưởng ròng của tín dụng còn rất thấp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, tăng trưởng tín dụng ảo ở chỗ, các ngân hàng muốn đạt được chỉ tiêu nên đẩy dư nợ tín dụng vào cuối năm ở mức cao để năm sau có nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt, trong bối cảnh năm 2013, hệ thống ngân hàng chịu áp lực tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm, phụ thuộc vào một số ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh đang chiếm trên 50% thị phần tín dụng cả nước.

Ví dụ, tính đến cuối tháng 6/2013, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank giảm 1,47% so với cuối năm 2012, nhưng chỉ trong 5 tháng cuối năm 2013, tăng trưởng tín dụng đạt 14,7%, vượt cả chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên đặt ra là tăng 12%. Hay như Ngân hàng Nhà nước công bố, tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2013 đạt 12,51%, vượt chỉ tiêu đề ra, trong khi trước đó, đến hết tháng 10/2013, tín dụng của toàn hệ thống mới đạt mức tăng 7,18%.

Về tăng trưởng tín dụng âm trong tháng 1/2014, TS. Hiếu lưu ý tới thực tế, dù lãi suất cho vay đã giảm nhiều, bên cạnh đó là nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi, nhưng các DN vay vốn đề kinh doanh, sản xuất, mua hàng… rơi vào thời điểm những tháng trước Tết âm lịch, nên tháng 1 không có nhiều hoạt động liên quan đến tín dụng.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank chia sẻ, từ Tết Nguyên đán tới nay, các giao dịch gửi tiết kiệm tăng 2,35% so với cuối năm 2013, một phần do ngân hàng nghỉ Tết dài, lượng khách dồn lại. Bên cạnh đó, đầu năm âm lịch, khách hàng thường đi gửi tiết kiệm lấy may, gửi các khoản tiền thưởng nhận được cuối năm vừa qua tạm thời chưa dùng đến. Đặc biệt, khách hàng hiện nay có xu hướng quan tâm đến gửi kỳ hạn dài, số dư tiền gửi trên 12 tháng chiếm trên 40% tổng huy động trên thị trường 1 của TPBank.

“Trong chu kỳ tín dụng, đây là hiện tượng tự nhiên, một số thông lệ lặp lại như tạo room, chạy theo chỉ tiêu, nhu cầu vay vốn hầu như không có trong tháng 1, mà chỉ có huy động vào. Do vậy, con số tăng trưởng tín dụng âm không nói lên được điều gì, ví dụ tín dụng cuối năm sẽ khó khăn”, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nói.

Thực tế, so với mức tăng trưởng tín dụng âm 1% của tháng 1/2013 và âm khoảng 3% của tháng 1/2012 so với cùng kỳ năm 2012 và 2011, thì tín dụng tháng 1/2014 âm 1,21% là bình thường.

Tuy nhiên, để tăng trưởng tín dụng trải đều hơn cho các tháng tới, chứ không bị dồn hay được nhận định là ảo vào dịp cuối năm như các năm trước, ngay sau Tết Nguyên đán, các ngân hàng đã nỗ lực triển khai hoạt động. Ông Nguyễn Hưng cho biết, TPBank đang triển khai chương trình dành 2.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi cho DN xuất nhập khẩu, công nghiệp phụ trợ và sản xuất - kinh doanh, lãi suất chỉ từ 8%/năm đối với VND và 3,8%/năm đối với USD. TPBank cũng khuyến khích khách hàng cá nhân vay tiêu dùng với mức lãi suất ưu đãi cho các tháng đầu tiên và lãi suất thấp so với thị trường cho các tháng tiếp theo.

“Có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang dần phục hồi, hệ thống DN đang đi vào chu kỳ phát triển mới, năng lực sản xuất - kinh doanh và sức mua của nền kinh tế được cải thiện nên hệ thống ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội”, ông Hưng nhấn mạnh.

Một lãnh đạo cao cấp của OceanBank nói: “Nối tiếp kết quả của năm 2013, ngay từ đầu năm, OceanBank tiếp tục xây dựng những gói sản phẩm tài chính trọn gói cho từng nhóm khách hàng như hộ kinh doanh, DN nhỏ và siêu nhỏ, DN lớn... Tôi tin tưởng, năm 2014, nền kinh tế khả quan hơn và trong bối cảnh đó, hoạt động của ngành ngân hàng nói chung, OceanBank nói riêng sẽ khởi sắc hơn”.

Nhuệ Mẫn (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.