04/08/2010 5:07 AM
Với mức tăng trưởng tín dụng thấp trong 5 tháng đầu năm, các ngân hàng đang lo sẽ không hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra cho cả năm.
Tăng trưởng tín dụng 2010 khó đạt mục tiêu

Đầu vào khó

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TPHCM cho biết vừa chớm tăng lãi suất huy động lên đã bị Ngân hàng Nhà nước “nhắc nhở”, phải liền giảm lãi suất xuống còn cao nhất 11,5%/năm vài ngày sau đó. Trên thực tế, sau 5 tháng đầu năm, huy động vốn của ngân hàng này đã giảm hơn 2.000 tỉ đồng. “Cả cá nhân lẫn tổ chức đều rút tiền gửi đi ngân hàng khác”, ông cho biết.

Nguồn vốn huy động khó khăn đã khiến ngân hàng trên không thể mở rộng mảng cho vay của mình được. Trong khi đó, việc giảm nguồn vốn huy động cũng khiến cho ngân hàng này không thể tăng cường vốn bằng cách vay của ngân hàng bạn trên thị trường liên ngân hàng vì Ngân hàng Nhà nước đã quy định các ngân hàng không được huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng cao hơn 20% tổng vốn huy động từ tổ chức và cá nhân.

Không như các ngân hàng lớn, ngân hàng trên cũng không thể tham gia nghiệp vụ thị trường mở để vay vốn giá rẻ từ Ngân hàng Nhà nước vì thiếu công cụ là các loại giấy tờ có giá để làm thế chấp. Vì thế mà lực bất tòng tâm, ngân hàng này khó lòng mà tăng trưởng tín dụng 25% trong năm nay theo kế hoạch đã đề ra, vị lãnh đạo ngân hàng nói.

Ngân hàng nhỏ là vậy, còn ngân hàng lớn thì cũng không khá gì hơn. Theo các số liệu từ Ngân hàng Sacombank, đến cuối tháng 5 năm nay, huy động vốn của ngân hàng này đạt 86.557 tỉ đồng, chỉ tăng có 0,3% so với cuối năm 2009. Trong khi ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank, cho biết tăng trưởng huy động của ngân hàng ông 5 tháng đầu năm cũng không lạc quan mấy, chỉ tăng ở mức 3% so với cuối năm 2009.

Đầu ra cũng khó

Tìm nguồn vốn huy động để cho vay không dễ dàng, nhưng tìm đầu ra cho đồng vốn huy động cũng không hề đơn giản đối với ngân hàng trong thời điểm hiện nay. Ông Thanh của Ngân hàng Vietcombank cho biết tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm của ngân hàng ông chỉ ở mức 7%, và thừa nhận sẽ rất khó để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 20% trong năm nay.

Ông Thanh cho biết tìm khách hàng vay vốn không khó, nhưng trong thời điểm Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích cho vay bất động sản và cho vay tiêu dùng, trong khi lĩnh vực sản xuất thì vẫn chưa hồi phục vì kinh tế thế giới vẫn còn đang trong giai đoạn khủng hoảng, thì không thể tìm đâu ra khách hàng. “Nhiều người cho rằng lãi suất cao làm doanh nghiệp không muốn vay, nhưng nếu lãi suất thấp mà doanh nghiệp không có đầu ra, thì cũng chẳng ai dám vay”, ông Thanh nói.

Cùng nhận định với ông Thanh, giám đốc phòng giao dịch của một ngân hàng quốc doanh cho biết hội sở của ngân hàng này giao chỉ tiêu tăng tín dụng cho từng chi nhánh cụ thể trong từng giai đoạn, và đối với phòng giao dịch của ông thì gần như không thể tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

“Trung ương (ban lãnh đạo) chỉ cho phép tăng trưởng tín dụng ở các khoản vay ngắn hạn, còn trung dài hạn thì không thể được”, vị này nói. Ông giải thích các doanh nghiệp vay vốn lưu động thì ai cũng có ngân hàng riêng của mình, khách hàng vay mới thì không nhiều, chỉ có thị trường bất động sản gần đây ấm lên, nhiều dự án đang rất cần vay vốn trung dài hạn nhưng không thể cho vay được để tăng tín dụng.

Đối với Ngân hàng Sacombank, tổng dư nợ cho vay của ngân hàng đến cuối tháng 5 là 60.077 tỉ đồng, chỉ tăng 8,3% so với cuối năm 2009, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà đại hội đồng cổ đông của ngân hàng này đưa ra vào đầu năm là tăng 45% trong năm nay. Chỉ còn bảy tháng nữa, mục tiêu này có vẻ không dễ dàng đối với Sacombank.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đặc thù của Việt Nam là quí 4 sẽ là quí mà tiêu dùng nội địa tăng mạnh và ngay từ quí 3 các doanh nghiệp sẽ tăng cường đi vay vốn để mua nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa nhằm đẩy mạnh bán ra trong quí 4. Vì thế, tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ có thể đạt đúng mục tiêu tăng trưởng là 25% như đã đề ra.

Ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng dự nợ tín dụng tăng chậm lại trong giai đoạn hiện nay là cần thiết để đảm bảo chất lượng tín dụng. Việt Nam đã tăng trưởng tín dụng khá nóng trong những năm trước, và ngay cả năm 2009 thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng thì tín dụng của Việt Nam vẫn tăng cao ở mức 38%.

“Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chất lượng tín dụng là biện pháp cần thiết. Dư nợ tăng 20%- 25% trong năm nay là mức vừa phải”, ông Ngân nói.

Cafeland.vn
theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.