07/03/2013 7:53 PM
Trong những tháng đầu năm 2013, các ngân hàng đã tập trung đẩy mạnh tín dụng, kèm chính sách điều chỉnh lãi suất về mức thấp nhất để kỳ vọng kích thích được tăng trưởng dư nợ.
Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản, với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trương tái cấp vốn 20.000 – 40.000 tỷ đồng thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước cho vay mua nhà ở xã hội, lãi suất 6%/năm, các ngân hàng đã đưa ra nhiều gói vốn, ngân khoản lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng cho vay ở lĩnh vực này.

Ngân hàng Á Châu (ACB) vừa giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất còn 11,5%/năm kể từ ngày 26/2. Đồng thời, trong kế hoạch kinh doanh tín dụng cá nhân quý I/2013, ACB dành hạn mức tín dụng lên đến 2.000 tỷ đồng cho chương trình ưu đãi lãi suất vay, phục vụ nhu cầu vốn kinh doanh đầu năm của khách hàng cá nhân và hộ gia đình.

Tổng giám đốc ACB, ông Đỗ Minh Toàn cho biết, mục tiêu tăng trưởng huy động vốn của Ngân hàng năm nay là 20 - 30%, dư nợ tín dụng tăng 15 - 20%. Vì thế, ngay những tháng đầu năm, ACB đã có các chính sách cho vay lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, ông Toàn cũng thừa nhận, tăng trưởng tín dụng trong năm nay không dễ.

Hưởng ứng chủ trương đẩy mạnh vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, Ngân hàng Thương mại Phương Đông (OCB) cho biết, họ đang triển khai chương trình cho vay tạm trữ lúa gạo, với ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng và đến thời điểm này đã giải ngân được 1.500 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Khách hàng doanh nghiệp của OCB, chính sách phát triển tín dụng của OCB trong năm nay vẫn là đẩy mạnh cho vay ở lĩnh vực xuất khẩu. OCB lựa chọn doanh nghiệp xuất khẩu để tài trợ vốn, vì ngân hàng đánh giá các nhà xuất khẩu rất tiềm năng, kể cả những doanh nghiệp đang tìm kiếm thị trường mới.

Nhờ nhận được nguồn vốn giá rẻ từ các định chế tài chính nước ngoài, nên không chỉ với ngành gạo, OCB còn đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp cao su, tiêu, điều…

Tuy nhiên, ông Linh cho biết, các doanh nghiệp chưa sẵn sàng đầu tư trung hạn, nên đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng không dễ.

Nhiều ngân hàng thương mại khác cũng cho biết, vẫn khó kích cầu tín dụng, dù lãi suất cho vay đã dần điều chỉnh xuống mức thấp. Chẳng hạn tại Eximbank, cuối năm ngoái, Eximbank triển khai chương trình cho vay mua nhà để ở với gói tín dụng 5.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ 12%/năm cố định trong 2 năm, nhưng từ đó đến nay mới giải ngân được vài trăm tỷ đồng.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cho rằng, khó có thể kỳ vọng lãi suất cho vay giảm sâu trong thời gian tới, mà chỉ có thể giảm tối đa thêm 1% nếu kiểm soát tốt lạm phát. Dự báo lãi suất huy động năm nay sẽ là 7 - 9%/năm, lãi suất cho vay 10 - 12%/năm.

Đồng quan điểm, ông Phạm Linh cho rằng, lãi suất cho vay chỉ có thể giảm thêm 1 - 1,5% trong thời gian tới, bởi mặt bằng lãi suất cho vay đã được các ngân hàng nỗ lực cắt giảm nhiều, nếu giảm thêm sẽ khó có thể đảm bảo chi phí hoạt động.

Một nguyên Thống đốc NHNN cũng cho hay, nếu lạm phát được kiểm soát tốt, thì trần lãi suất cũng chỉ có thể giảm tối đa thêm 1% vào cuối năm. Trong khi đó, lãi suất tại Việt Nam đang cao hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực, khiến doanh nghiệp chưa sẵn sàng đầu tư mới. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay sẽ khó đạt được.

Thùy Vinh (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.