Nâng cao dịch vụ
Để đáp ứng nhu cầu, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp tại TPHCM. Số lượng khách sạn cao cấp được đầu tư, mở rộng, nâng cấp trong 3 năm gần đây đã tăng gần gấp đôi so với năm 2007, trong đó, tăng nhiều nhất là khối khách sạn 3 sao. Theo Sở VH-TT-DL TPHCM, năm 2007, TPHCM có 624 cơ sở lưu trú du lịch, nhưng chỉ có 40 khách sạn cao cấp, trong đó có 11 khách sạn 5 sao, 8 khách sạn 4 sao và 21 khách sạn 3 sao, với khoảng 6.500 phòng cao cấp. Đến tháng 6-2011, TP đã có gần 1.500 cơ sở lưu trú, với 35.000 phòng đã được phân loại, xếp hạng sao. Trong đó, có 73 khách sạn cao cấp với 13 khách sạn 5 sao, 13 khách sạn 4 sao, khoảng 45 khách sạn 3 sao, với 9.700 phòng.
Khách sạn Rex mở rộng thêm khu 5 sao. Ảnh: THANH TÂM
Từ nay đến cuối năm 2011, TPHCM sẽ
có thêm một lượng lớn phòng khách sạn cao cấp đưa vào hoạt động. Dự
kiến, khách sạn 5 sao Nikko Sài Gòn (Nguyễn Văn Cừ, quận 1), với 335
phòng sẽ hoạt động vào tháng 10-2011; khách sạn Grand (Đồng Khởi) sẽ
hoàn thành khu mới, trở thành khách sạn 5 sao với khoảng 500 phòng.
Ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc
Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho biết, với tăng trưởng
khách quốc tế 15%/năm, nhu cầu phòng cao cấp cho ngành du lịch TPHCM rất
lớn. Hiện hệ thống khách sạn cao cấp do Saigontourist quản lý tại TPHCM
cung ứng gần 1/3 lượng phòng ở cao cấp hiện có của TP. Thực hiện chỉ
đạo và được sự hỗ trợ của TP, Saigontourist đã đẩy mạnh đầu tư xây mới,
mở rộng và nâng cấp nhiều khách sạn trong hệ thống. Khách sạn Rex được
đầu tư hơn 300 tỷ đồng để xây dựng khu mới, nâng chất lượng phục vụ
thành 5 sao; khách sạn 4 sao Novotel Saigon Center (Hai Bà Trưng, quận
1) 250 phòng và khách sạn 5 sao Pullman Saigon Centre (Trần Hưng Đạo,
quận 1) 300 phòng đang xây dựng sẽ đưa vào hoạt động năm 2012-2013;
khách sạn Majestic cũng vừa được khởi công mở rộng thêm 353 phòng, hoàn
thành năm 2014.
Sắp tới, Saigontourist cũng sẽ
khởi công xây mới 2 khách sạn 5 sao Gemadetp (Lê Lợi) và Kim Đô (Nguyễn
Huệ, quận 1)… Với thời gian 3 năm để đầu tư, xây mới một khách sạn, dự
kiến từ nay đến năm 2015, riêng hệ thống khách sạn của Saigontourist sẽ
cung cấp thêm khoảng 2.000 phòng cao cấp.
Ngành du lịch TPHCM dự báo, đến năm 2012, TPHCM cần 17.000 phòng cao cấp để phục vụ 5 triệu khách quốc tế. Tuy nhiên, do tác động từ sự suy thoái của kinh tế thế giới, tăng trưởng du lịch của Việt Nam có phần chậm lại. Dự kiến TPHCM chỉ đón khoảng 4 triệu khách trong năm 2012. Do vậy, lượng phòng hiện có và đang đầu tư sẽ đáp ứng được phần lớn nhu cầu đón khách.
Phát triển du lịch MICE
Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) được TPHCM xác định là một sản phẩm chiến lược để phát triển. Hơn nữa, khách MICE được nhận định là khách có chi tiêu lớn cho du lịch. Điều lo lắng của các công ty lữ hành Việt Nam hiện nay là chưa có nhiều khách sạn cao cấp, tầm cỡ, đủ điều kiện vật chất để phục vụ và đón những đoàn khách MICE có số lượng lớn, có khi lên cả 1.000 người. Thực tế, tại TPHCM hiện nay, chưa có khách sạn nào có hội trường chứa được cùng lúc 1.000 khách. Ông Trần Hùng Việt cho rằng, việc đầu tư, xây mới nhiều khách sạn cao cấp tại TPHCM sẽ mở ra nhiều cơ hội, góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh, đưa Việt Nam và TPHCM trở thành điểm đến hấp dẫn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thời gian tới, Saigontourist cũng sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, mở rộng Trung tâm hội chợ, triển lãm và hội nghị quốc tế - SECC tại quận 7, cùng với đó là 2 khách sạn 4 và 5 sao với 600 phòng ở đây.
Không chỉ riêng thị trường MICE nước ngoài mà thị trường khách MICE trong nước cũng rất tiềm năng. Hiện nay, khách nội địa đang có xu hướng sử dụng các dịch vụ cao cấp nhiều hơn. Không chỉ khách MICE mà lượng khách lẻ nội địa lưu trú ở khách sạn cao cấp cũng tăng lên đáng kể. Ông Tào Văn Nghệ, Chủ tịch Hội Khách sạn TPHCM đánh giá, khối doanh nghiệp khách sạn cao cấp tại TPHCM đang đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng đến chuẩn phục vụ cao hơn cho khách hàng, để có thể cạnh tranh ngang bằng với các nước trong khu vực. Tại thời điểm hiện nay, đang là mùa thấp điểm đón khách quốc tế nhưng công suất phòng khách sạn cao cấp đạt khoảng 60%, tăng 10% so với năm 2010. Ngoài ra, kể từ sau khi giá khách sạn cao cấp tăng cao vào thời điểm 2006 -2007, một số tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế thực hiện chính sách giảm giá trong toàn khu vực để tăng sức cạnh tranh và phù hợp với mặt bằng giá chung của thế giới.