Có thể thấy thời gian qua công cụ kích thích tín dụng chủ yếu vẫn là lãi suất. Sau loạt điều chỉnh vừa qua, dư địa đã hạn hẹp.
Sau hơn năm tháng kể từ khi bắt đầu điều chỉnh lãi suất, độ trễ của chính sách đã được rút ngắn và bắt đầu ngấm vào thực tế. Từ tháng 5/2012, tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu dương nhẹ, đến hết tháng 7 đã tăng 1,02% so với cuối năm 2011.
Lần đầu tiên trong hơn chục năm qua, tín dụng mới có trạng thái như vậy. Cho đến nay vẫn là một kết quả ít ai lường đến được khi đầu năm còn căn ke khoảng 15 - 17%.
Cùng với thực tế tăng trưởng đó, nguồn lực hỗ trợ từ ngân hàng cho nền kinh tế càng hạn chế hơn khi nợ xấu tăng cao. Lượng vốn “khỏe” đang giữ nhịp hoạt động cho các doanh nghiệp đã bị hụt đi đáng kể.
Cuối năm 2011, tổng dư nợ của toàn hệ thống là 2,63 triệu tỷ đồng, với tỷ lệ nợ xấu 3,2% thì lượng vốn “khỏe” còn lại khoảng 2,55 triệu tỷ đồng. Nhưng với tỷ lệ nợ xấu lên tới 8,6% đến cuối tháng 3/2012 mà Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng vốn “khỏe” chỉ còn khoảng 2,41 triệu tỷ đồng… Nếu xét theo hướng này thì lượng vốn “khỏe” không những không tăng mà còn giảm đi.
Theo góc nhìn của ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), ngoài lượng vốn bị kẹt bởi nợ xấu và dư nợ mới khó tăng, lượng vốn còn lại giá trị thúc đẩy như thế nào còn phải xét đến vòng quay của nó nữa.
Như tại LienVietPostBank, 6 tháng đầu năm 2012 tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8%, nhưng sau đó lại giảm nhẹ. Nguyên do là ngân hàng khó đẩy mạnh cho vay ra, trong khi nhiều khoản nợ cũ đáo hạn. Việc xoay vòng nhanh nguồn vốn cũ cũng là yêu cầu đặt ra, tạo sự tiếp sức liên tục, cũng quan trọng không kém con số tăng trưởng dư nợ chốt tại thời điểm nào đó.
“Còn hiện nay, để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, có thể thấy là Ngân hàng Nhà nước đã làm hết cỡ rồi, đã làm những gì cần phải làm. Lúc này, cần thêm sự hỗ trợ của các chính sách vĩ mô khác, tạo được sự kích cầu trong nền kinh tế”, ông Hưởng nhìn nhận.
Trước hết, theo Phó chủ tịch LienVietPostBank, Ngân hàng Nhà nước đã tạo lập được sự cân bằng thanh khoản hệ thống, hạn chế sự bất ổn của nguồn vốn từng nhiều thời điểm căng thẳng trước đây, tạo điều kiện cơ bản để phát triển tín dụng. Tiếp đó là loạt 5 lần giảm các lãi suất điều hành, hạ trần lãi suất, ra chủ trương hạ lãi suất cho các khoản vay cũ về tối đa 15%/năm, vừa giảm tải gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, vừa kích thích tín dụng.
Trong thông tin trao đổi đầu tuần này, ông Atul Malik, Tổng giám đốc Maritime Bank, cũng nhìn nhận rằng, một trong những biện pháp kích cầu hiện nay là giảm lãi suất.
“Việc giảm lãi suất trong nền kinh tế sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện dòng tiền và tăng nguồn tín dụng đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Điểm mấu chốt là các ngân hàng cần phải hỗ trợ nền kinh tế bằng cách giảm lãi suất với người đi vay, đồng thời tăng nguồn tín dụng đối với những khách hàng đủ tiêu chuẩn”, ông Atul Malik nói.
Có thể thấy thời gian qua công cụ kích thích tín dụng chủ yếu vẫn là lãi suất. Sau loạt điều chỉnh vừa qua, dư địa đã hạn hẹp.
Trả lời chất vấn Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi đưa ra thông điệp rất rõ ràng là từ nay trở đi việc điều chỉnh lãi suất giảm xuống nữa là hết sức thận trọng. Bởi vì chúng ta làm quản lý kinh tế vĩ mô với mục tiêu xuyên suốt vẫn phải kìm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu chúng ta không để mức lãi suất tiền Việt Nam ở một mức khá hấp dẫn thì vị thế của đồng Việt Nam mới khôi phục được trong thời gian vừa qua sẽ bị mất đi. Người gửi tiền sẽ không còn hấp dẫn gửi tiền vào hệ thống ngân hàng mà sẽ quay sang đầu tư vào các lĩnh vực khác, đặc biệt là vàng và ngoại tệ sẽ làm cho tình trạng vàng hóa và đô la hóa lặp lại. Do vậy, để cân đối được tất cả các chỉ tiêu đó thì việc giảm lãi suất trong thời gian tới phải cân nhắc hết sức thận trọng”.
Dư địa đã hạn hẹp, để kích thích tín dụng tốt hơn, giới ngân hàng đang chờ đợi một sự hợp tác của các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt là đầu tư công. Ngay tại hội nghị ngành đầu tháng 7 vừa qua, lãnh đạo các nhà băng lớn nhỏ đều có chung đề xuất thúc đẩy chính sách này.
Ông Nguyễn Đức Hưởng đưa ra một tham khảo: “Giả sử mình thực hiện theo bài học của Trung Quốc thời khủng hoảng trước đây, xi măng, sắt thép, gạch ngói… thừa rất nhiều. Họ xử lý bằng cách tăng cường đầu tư công, đưa vào cơ sở hạ tầng; xi măng, sắt thép… như vậy tiêu thụ được, bất động sản cũng đi theo, người lao động có thêm thu nhập và khi đó sức mua kích thích lên. Với Việt Nam hiện nay, cần kích cầu đầu tư công, cùng với chính sách tiền tệ thì dư nợ mới lên được”.
Tuy nhiên, cầu tín dụng không hẳn sẽ thay đổi một cách nhanh chóng.
“Sau thời gian khó khăn, trơn trượt, các bước đi tiếp sẽ cẩn thận hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng sẽ chặt chẽ hơn nên cầu vay vốn cũng thận trọng hơn. Đó là một đặc điểm của sức cầu tín dụng hiện nay. Cho nên tăng trưởng tín dụng cả năm nếu đạt được 10% đã là cố gắng lắm rồi, và cần có được sự phối hợp hài hòa giữa các chính sách”, ông Hưởng nhìn nhận.