26/04/2022 6:01 PM
Bộ Tài chính đề xuất điều tăng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác cát, sỏi, cuội, sạn, đất sét, đá làm vật liệu xây dựng nhằm hạn chế tình trạng khai thác tràn lan, tác động xấu tới môi trường.

Thời gian qua, việc thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản theo quy định tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; tăng cường quản lý khai thác khoáng sản; khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ, khai thác hiệu quả, tiết kiệm khoáng sản gắn liền với công tác bảo vệ môi trường.

Hiện nay, tình trạng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thường gây sạt lở bờ sông, ô nhiễm môi trường nhiều nơi.

Tuy nhiên, hiện phí bảo vệ môi trường đối với khai thác sỏi, cuội, sạn, cát, đất sét, đá làm vật liệu xây dựng thông thường còn thấp, chưa khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế. Cụ thể, Nghị định 164/2016/NĐ-CP quy định khung mức phí BVMT đối với khai thác sỏi, cuội, sạn, cát, đất sét, đá làm vật liệu xây dựng thông thường từ 1.500 - 6.000 đồng/m3.

Tăng phí bảo vệ môi trường lên 150% đối với cát, sỏi, đá làm vật liệu xây dựng

Theo đó, mức phí tại Nghị định 164/2016/NĐ-CP kế thừa từ Nghị định số 74/2011/NĐ-CP. Từ năm 2011 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 40%, lương cơ bản tăng khoảng 80%. Từ năm 2016 đến nay, giá tối đa tính thuế tài nguyên đối với cát đen tăng 100%.

Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng khung mức phí đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo hướng tăng 150% mức phí tối thiểu và mức phí tối đa tại Nghị định 164/2016/NĐ-CP.

Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác sỏi, cuội, sạn, cát, đất sét làm vật liệu xây dựng theo đề xuất của Bộ Tài chính

Việc tăng phí BVMT đối với các loại vật liệu xây dựng này nhằm hạn chế tình trạng khai thác nhỏ lẻ, kém hiệu quả; khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; bảo đảm cho địa phương linh hoạt trong điều chỉnh mức thu phí, hạn chế ảnh hưởng đến giá vật liệu xây dựng đến thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng.

Được biết, số thu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản hàng năm đã góp phần tích cực để địa phương bổ sung nguồn đầu tư cho BVMT tại nơi khai thác. Cụ thể, số thu phí năm 2017 là 3.029 tỷ đồng; năm 2018 là 3.448 tỷ đồng; năm 2019 là 3.737 tỷ đồng; năm 2020 là 3.576 tỷ đồng.

  • Vật liệu xây dựng tăng giá mạnh

    Vật liệu xây dựng tăng giá mạnh

    Thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) đã chứng kiến nhiều mặt hàng tăng giá chóng mặt trong 3 tháng đầu năm 2022. Hầu hết các loại VLXD phổ biến như sắt, thép, xi măng, cát xây dựng... đã tăng giá khoảng 10-20% so với thời điểm cuối năm 2021.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.