Chỉ trong một thời gian ngắn, lãi suất huy động vàng liên tục chứng kiến các cuộc bứt phá tranh giành vị trí dẫn đầu thị trường gần như song hành với diễn biến dòng vốn USD. Cuộc đua càng thêm nóng bỏng trong hai ngày đầu tuần với việc có thêm nhiều ngân hàng tung ra các điều chỉnh.

Nóng trong ngân hàng

Trước các cuộc điều chỉnh nói trên, lãi suất huy động vàng trong suốt một thời gian rất dài hầu như chỉ được duy trì ở mức thấp dao động trong khoảng 0,35 – 0.7%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng. Hàng loạt ngân hàng (NH) cũng tung ra sản phẩm huy động vàng song lại tỏ ra kém mặn mà với mức lãi suất cực thấp, thậm chí chỉ mang tính tượng trưng.


Song trong vòng 3 tuần trở lại đây, biểu lãi suất huy động vàng bắt đầu chứng kiến các điều chỉnh ban đầu âm thầm và trở nên sôi động hơn trong ít ngày gần đây. Có thể coi Eximbank là NH đầu tiên trong hai tuần gần đây tiến hành điều chỉnh lãi suất vàng khi đưa lãi suất các kỳ hạn 1-3 tháng lên mức 0,8-1%/năm. Dù rằng các kỳ hạn còn lại từ 4 tháng đến 60 tháng đồng loạt được áp dụng lãi suất tượng trưng, 0,05%/năm. Ngay sau điều chỉnh này, đến lượt DaiABank tăng thêm lãi suất huy động vàng tới 0,15%/năm đến 0,6%/năm. Ở kỳ hạn 3 tháng, lãi suất vàng của DaiABank tăng mạnh thêm gấp 3 lần, từ 0,2%/năm lên 0,8%/năm.

Song dù có mức tăng lớn, DaiABank vẫn chưa thể dẫn đầu thị trường khi các NHTM tiếp tục công bố tăng lãi suất. Southern Bank bắt đầu gây sốc khi thực hiện tăng lãi suất vàng thêm tới 0,55-1%/năm. Qua đó đồng loạt đưa lãi suất huy động vàng các kỳ hạn 6-24 tháng lên mức 1,5%/năm trong lúc các kỳ hạn 1, 2 và 3 tháng cũng lần lượt có lãi suất tăng dần 1-1,3%/năm. Ở thời điểm ngày 18.9, Southern Bank chính thức là NH dẫn đầu mặt bằng lãi suất huy động vàng trên thị trường. Tuy nhiên nhiều NHTM khác không chịu ngồi yên.

NHTM cổ phần Đệ Nhất (Ficombank) nhanh chóng đưa ra biểu lãi suất gần như tương tự với Southern Bank. Ở riêng các kỳ hạn 1, 2 và 3 tháng, lãi suất của Ficombank lại nhỉnh hơn hẳn với các mức tương ứng lần lượt là 1,08%/năm, 1,14%/năm và 1,32%/năm. Sự cạnh tranh càng thêm rõ nét hơn khi ACB và VietABank hôm 20.9 công bố biểu lãi suất huy động mới. Trong biểu lãi suất mới của ACB, lãi suất cao nhất được áp dụng cho các kỳ hạn 3 và 13 tháng lần lượt là 1% và 1,4%/năm. Với sản phẩm vàng do ACB phát hành, lãi suất được cộng thêm 0,1%/năm. VietABank cũng không thua kém khi áp dụng mức lãi suất cao, dao động trong khoảng 1,2-1,35%/năm cho các kỳ hạn gửi vàng 1-18 tháng.

Giữ chân khách hàng

Diễn biến này cho thấy, lãi vàng còn có thể có những điều chỉnh mới từ nay đến thời điểm ngày 1.10 khi Thông tư 13 có hiệu lực. Song ở thời điểm giá vàng liên tục biến động và giữ ở mức cao như hiện nay, mua vàng và tích trữ hưởng lãi suất nhỏ trong ngân hàng không phải là phương án kinh doanh được lựa chọn của khách hàng. Nhiều phân tích cho rằng, các điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động vàng chỉ trước thời điểm Thông tư 13 có hiệu lực ít ngày cũng không phải là giải pháp chú trọng gia tăng vốn huy động vàng vào ngân hàng.

Có thể hiện là thời điểm khách hàng đáo hạn sổ tiết kiệm và các ngân hàng cần phải giữ chân khách hàng nhằm bảo toàn nguồn vốn. Không để vốn vàng chạy sang NH bạn trong bối cảnh NH cần đảm bảo vốn thêm các yêu cầu của Thông tư 13 cũng có thể là yếu tố khiến hàng loạt NH nối tiếp nhau tăng mạnh lãi suất huy động vàng trong thời gian gần đây. Cuộc đua lãi suất huy động vàng vì thế khó lan rộng sang các NH này và nhiều khả năng chỉ dừng lại ở nhóm các NH tung ra sản phẩm tiết kiệm vàng và có thể mạnh về dòng vốn này.

Cafeland.vn - Theo Văn Nguyễn (LĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland