Khi mua, khách hàng phải đối chiếu vị trí căn hộ với bản vẽ thiết kế của chủ đầu tư, đó là cơ sở chính xác, rõ ràng nhất.

Một vụ tranh chấp giữa khách hàng với chủ đầu tư chung cư do cách hiểu khác nhau về số tầng của chung cư vừa xảy ra (Pháp Luật TP.HCM ngày 19-12). Trên thực tế, việc đặt ký hiệu về số tầng hay số lầu rất khác nhau tại các cao ốc. Khách hàng khi mua căn hộ phải đối chiếu với bản vẽ của chủ đầu tư để khỏi tranh chấp về sau.

Trên thực tế, việc đặt ký hiệu về số tầng hay số lầu rất khác nhau tại các cao ốc. Ảnh: HTD

Tùy chủ đầu tư

Hiện một số chung cư tại TP.HCM đặt tên tầng trệt là tầng 1, tầng tiếp theo là tầng 2, 3… Trong khi đó, các cao ốc mới sau này thường có khuynh hướng đặt tầng trệt có ký hiệu là chữ G. Tầng G này thường được sử dụng để bố trí chỗ lễ tân, trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị… của tòa nhà. Tầng tiếp theo mới được ký hiệu bằng số 1.

“Tôi đang ở chung cư Nam Long, quận 9. Căn hộ của tôi được gọi là ở tầng 5 nhưng đếm từ mặt đất trở lên thì lại là tầng thứ 6 vì tầng trệt đặt là G không cộng vào” - ông Hà Nguyễn Thái cho biết.

Tại các chung cư cũ, tầng trệt thường bố trí làm căn hộ để ở như chung cư Bình Trưng (quận 2), chung cư Ngô Gia Tự (quận 10)… Tầng trệt này lại được ký hiệu là số 0. Chẳng hạn, căn hộ 035 lô Y chung cư Ngô Gia Tự là nằm tại tầng trệt. Căn hộ nằm đúng vị trí đó nhưng thuộc tầng trên thì mang số 135, tầng trên nữa thì 235…

Một số cao ốc khác lại không có tầng 4, tầng 13 do yếu tố tâm linh. Chẳng hạn, chung cư Thái An (quận 12) từ tầng 12 nhảy thẳng lên tầng 14. Một số nơi khác thì đặt tên tầng 13 thành 12Bis… Tại chung cư Cantavil Hoàn Cầu (quận Bình Thạnh), tầng kỹ thuật nằm tại tầng 18 nhưng khi được phép chuyển công năng thành các căn hộ thì lại gọi là tầng 18 đôi, thay vì phải tính là tầng 19 (!).

Bản vẽ thiết kế là căn cứ quan trọng nhất

Giải thích về cách gọi, cách tính khác nhau về tầng, lầu của các cao ốc, Phó Giám đốc Sở Xây dựng - ông Quách Hồng Tuyến cho rằng đó là do thói quen vùng, miền. Còn trong quy chuẩn xây dựng thì chỉ sử dụng từ “tầng” mà không có dùng từ “lầu”.

“Thông thường miền Nam gọi tầng sát mặt đất là trệt, rồi đến lầu 1, lầu 2. Trong khi đó, miền Bắc thì gọi tầng sát mặt đất là tầng một, tầng kế tiếp là hai, ba… Theo cách tính như vậy thì trệt tương đương với tầng 1, lầu 1 tương đương tầng 2, lầu 2 tương đương tầng 3…” - ông Tuyến giải thích.

Ông Tuyến cũng cho hay hiện không có quy định bắt buộc các chủ đầu tư phải thống nhất cách ký hiệu về số tầng, lầu của cao ốc. “Tuy nhiên, bản vẽ thiết kế khi xin phép xây dựng phải thể hiện rất rõ ràng về quy mô công trình, tầng nào nằm ở vị trí nào. Còn sau này chủ đầu tư đặt ký hiệu cho các tầng hoặc gọi tầng 13 thành 12Bis này nọ thì chỉ là quy ước trong nội bộ cao ốc đó” - ông nói thêm.

Ông Tuyến lưu ý, để tránh tranh chấp do vị trí thực tế khác với hợp đồng hoặc là suy nghĩ của bên mua thì khi mua, khách hàng phải đối chiếu vị trí căn hộ với bản vẽ thiết kế của chủ đầu tư. Đó là cơ sở chính xác, rõ ràng nhất.

  • Cãi nhau giữa “tầng” với “lầu”

    Cãi nhau giữa “tầng” với “lầu”

    Đại diện của bà Nhi tâm sự thêm, bà Nhi cũng như nhiều người khác mong muốn căn nhà có vị trí đẹp. Số 8 là bát, có nghĩa là phát, là số đẹp, số may mắn…

Theo Cẩm Tú (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.