26/10/2017 10:20 PM
Cơn sốt khan hiếm và tăng giá cát tự nhiên trong thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguồn cát tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt.
Cần thay đổi thói quen người tiêu dùng...
Mặc dù, các chuyên gia đã chỉ rõ lượng cát tự nhiên ít đi do chúng ta xây dựng nhiều đập thủy điện làm cho cát trên thượng nguồn không về được hạ lưu. Đặc biệt việc sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu san lấp là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu hụt nguồn cát như hiện nay, nhưng việc sử dụng cát nhân tạo nhằm thay thế hoàn toàn cát tự nhiên thì chưa được phổ biến.
So với cát tự nhiên, cát nhân tạo ít tạp chất, hạt dày hơn, chống mài mòn tốt hơn, tính thẩm thấu thấp hơn và đặc biệt là thân thiện với môi trường, chi phí rẻ hơn nhưng cát nhân tạo chủ yếu dùng để sản xuất gạch không nung (gạch bê tông), sản xuất vữa xây, trát, công tác cấp phối bê tông… chứ chưa được dùng thay thế cho cát tự nhiên trong xây dựng các công trình.
Dạo một vòng quanh các công trình xây dựng khu vực Hoàng Mai cho thấy, cát tự nhiên vẫn được dùng phổ biến và ưa chuộng, chưa có công trình nhà dân sử dụng cát nhân tạo.
Ông Nguyễn Minh Quân ở Linh Đàm cho biết: Dù giá cao nhưng chúng tôi cố tìm mua cát tự nhiên để xây nhà. Tôi có nghe nói đến cát nhân tạo nhưng còn băn khoăn vì cát đó chưa được sử dụng rộng rãi lại chưa có chứng nhận chất lượng sản phẩm. Cả đời gom góp xây 1 cái nhà nên thôi cố mua cát tự nhiên, đắt hơn nhưng chúng tôi yên tâm.
Và bắt đầu từ chính sách
Theo Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn thì việc thiếu hụt cát xây dựng khiến tổng mức đầu tư các công trình xây dựng tại các địa bàn huyện vùng cao Hà Giang cao hơn so với vùng khác, do phải vận chuyển cát xây dựng từ nơi khác đến. Việc tận dụng nguyên liệu sẵn có như đá cuội… để sản xuất vật liệu thay thế cát tự nhiên trong xây dựng là giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung cấp cát, góp phần giảm chi phí xây dựng công trình và hạn chế việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Theo lộ trình Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đưa ra, đến năm 2018, Hà Giang sử dụng cát nhân tạo cho các chế phẩm xây dựng vữa xây, vữa trát, bê tông mác 200 trở xuống, đồng thời tăng cường công tác quản lý chất lượng cát, chất lượng các chế phẩm xây dựng sử dụng cát nhân tạo; xây dựng hoàn chỉnh định mức, phạm vi sử dụng cát nhân tạo, hướng dẫn cụ thể đối với từng loại sản phẩm đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng hiện hành. Đồng thời từ năm 2018, sử dụng vật liệu khác thay thế cát tự nhiên làm vật liệu san lấp trên địa bàn toàn tỉnh.
Đến năm 2019, Hà Giang phấn đấu phát triển cơ sở sản xuất cát nhân tạo có đủ năng lực đáp ứng 30% nhu cầu dự báo sử dụng cát đối với các huyện vùng cao núi đá phía Bắc và một số xã vùng cao núi đất phía Tây không có mỏ cát tự nhiên tức khoảng 12.600 m3/năm; năm 2022 đáp ứng khoảng 60-80% nhu cầu dự báo sử dụng tức đạt khoảng từ 39.000 - 52.000 m3/năm; khuyến khích phát triển cơ sở sản xuất tại các khu vực có mỏ khoáng sản đang hoạt động và vùng núi thấp đến năm 2025 có thể đáp ứng được khoảng từ 40 - 50% nhu cầu dự báo sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh.
Mới đây nhất, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) vừa kiến nghị Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho phép ứng dụng rộng rãi cát xay trong bê tông nhựa, bê tông xi măng tại TP. HCM và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị sản xuất cát xay theo công nghệ ly tâm.
Theo Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải, cát xay có một số ưu điểm như có thể điều chỉnh mô đun độ lớn và tỷ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối cho các loại bê tông khác nhau như bê tông nóng, bê tông xi măng, bê tông xi măng mác cao đặc biệt. Cát xay có tỷ lệ thành phần hạt ổn định, độ góc cạnh lớn hơn cát tự nhiên, lượng hạt dẹt ít hơn đá mạt và có thể kiểm soát được lượng tạp chất các tạp chất gây hại đối với bê tông như lượng bùn, sét…
Nhiều địa phương đã vào cuộc, đưa ra lộ trình cụ thể để cát nhân tạo đi vào cuộc sống, được sử dụng nhiều hơn trong các công trình và tiến tới thay thế cát tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt.
Vũ Huyền (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.