Xử lý nợ xấu đã được thị trường kỳ vọng rất lớn khi Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, đến thời điểm này kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Lần này, dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được Quốc hội đưa vào chương trình họp, nếu được thông qua, kỳ vọng có thể giải quyết được bài toán đặc thù của nợ xấu.
Nợ xấu có dấu hiệu tăng
Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã trình bày trước Quốc hội tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD. Theo Thống đốc, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD”, bên cạnh những kết quả đạt được, Thống đốc cũng nêu 6 vấn đề khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu cần được tháo gỡ:
Thứ nhất, một số bộ ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm. Việc xử lý nợ xấu thông qua tòa án, thi hành án rất chậm, không hiệu quả do nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài.
Thứ hai, việc xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm, bán khoản nợ theo cơ chế thị trường, thu nợ khách hàng vay còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó xử lý nợ xấu một cách triệt để. Thứ ba, nhiều khoản nợ xấu tại các TCTD bị kiểm soát đặc biệt có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố nên thời gian giải quyết bị kéo dài. Thứ tư, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu, thị trường mua bán nợ chậm phát triển.
Thứ năm, VAMC hiện còn thiếu nguồn lực, cơ chế, quy định pháp lý để xử lý nhanh tài sản đảm bảo và nợ xấu đã mua. Thứ sáu, đến ngày 31-12-2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,46%, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu nội bảng đang ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng về quy mô, theo đó tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu chiếm khoảng 10,08% trên tổng dư nợ cho vay.
Cần tăng quyền cho chủ nợ
Lâu nay phía NHNN cũng như các NHTM cho rằng khó khăn trong việc xử lý nợ xấu do cơ chế, chính sách, pháp luật về nợ xấu hiện nay chưa hoàn thiện và chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD.
Do đó, tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD đã chỉ rõ việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu là rất cần thiết, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội về xử lý nợ xấu, bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng cần giới hạn phạm vi các khoản nợ xấu và đề nghị thời điểm xác định các khoản nợ xấu cần xử lý đến ngày 31-12-2016.
Đối với các khoản nợ tiềm ẩn có thể trở thành nợ xấu, Ủy ban Kinh tế đề nghị giao NHNN tiến hành các biện pháp cần thiết để hạ thấp và chỉ đạo các TCTD quyết liệt thu hồi, nếu các khoản này trở thành nợ xấu, cho phép áp dụng nghị quyết để xử lý. Chính phủ tiếp tục đánh giá, dự báo tác động đối với các quan hệ xã hội, cần cam kết đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn và cần tiếp tục làm rõ, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức gây ra tình trạng nợ xấu.
Ủy ban Kinh tế đồng ý quy định cho phép VAMC bán nợ xấu, tài sản bảo đảm theo giá thị trường, cho phép tổ chức mua bán nợ xấu được bán nợ xấu cho cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh.
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến cuối năm 2016, tổng số nợ bán cho VAMC chưa xử lý được là 224.000 tỷ đồng, chiếm đến 85% nợ xấu bán cho VAMC. Như vậy, sau 4 năm triển khai thực hiện xử lý nợ xấu nhưng hiệu quả chưa cao, tới đây VAMC sẽ được mở rộng quyền hạn để tiếp tục quá trình này.
Phải công khai, minh bạch
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc xử lý nợ xấu tại các NHTM và tại VAMC cần phải vượt qua những rào cản pháp lý, nếu không vài năm tới, khi các khoản nợ xấu từ VAMC không xử lý được trả về cho các NH sẽ làm cho khó khăn trong việc xử lý nợ xấu và tái cấu trúc của các NHTM càng tăng và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của cả hệ thống.
Còn TS. Võ Trí Thành nhận định, thông qua một nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu không phải là sự ưu ái cho ngành NH, mà cần thiết cho cả nền kinh tế, vì để ứng phó, xử lý các vấn đề lớn liên quan đến nhiều bên, đến dòng tiền lớn nhưng muốn làm quyết liệt để giảm thiểu phí tổn cho nền kinh tế đòi hỏi một sự hoàn hảo, đầy đủ rất khó.
Tuy nhiên, kèm theo quyền hạn cũng phải yêu cầu cách làm quyết liệt đi đôi với giải trình, giám sát minh bạch và người có tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, không có sự bao che hay dung túng bất kỳ ai.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng chia sẻ: “Trong tháng 6 này, nếu Quốc hội thông qua và ban hành Nghị quyết sẽ giải quyết được bài toán đặc thù của nợ xấu.
Nợ xấu là một trong những nguyên nhân khiến lãi suất khó giảm và doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận vốn và vấn đề này tồn tại kéo dài từ năm 2012. Vấn đề quan trọng nhất là phải công khai minh bạch mua bán.
Song song đó, hiện nay tình trạng doanh nghiệp thế chấp tài sản vay tiền rồi lập doanh nghiệp mới, NH không thể giải quyết, trong Nghị quyết này cũng sẽ giải quyết về quyền của chủ nợ. Ngoài ra, để giải quyết bài toán nợ xấu, ngoài VAMC còn có nhiều công ty mua bán nợ khác hình thành được một thị trường mua bán các khoản nợ, kể cả cho nước ngoài tham gia”.
Năm 2013, khi thành lập VAMC, tôi đã nói không thể giải quyết nợ xấu nếu không hình thành được thị trường mua bán nợ, dù có cấp bao nhiêu tiền cho VAMC nhưng mua vào không bán ra được cũng sẽ không đủ tiền để mua. Đồng thời, chúng ta phải chấp nhận bán theo giá thị trường, thậm chí bán lỗ. Nghị quyết lần này sẽ giải quyết tồn tại nói trên.
TS. Trần Du Lịch
Năm 2013, khi thành lập VAMC, tôi đã nói không thể giải quyết nợ xấu nếu không hình thành được thị trường mua bán nợ, dù có cấp bao nhiêu tiền cho VAMC nhưng mua vào không bán ra được cũng sẽ không đủ tiền để mua. Đồng thời, chúng ta phải chấp nhận bán theo giá thị trường, thậm chí bán lỗ. Nghị quyết lần này sẽ giải quyết tồn tại nói trên.
TS. Trần Du Lịch
Yên Lam (ĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.