Nỗi lo về ngành tài chính giảm bớt, nhà đầu tư đẩy mạnh mua gom cổ phiếu phiên cuối tuần. Tuy nhiên, tính cả tuần, S&P 500 giảm 4,23%, Dow Jones hạ 4,01%, Nasdaq xuống 5,01%.

Tăng 125 điểm, Dow Jones giữ vững 10 nghìn điểm


Chốt phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số S&P 500 tăng 16,10 điểm tương đương 1,5% lên mức 1.078,69 điểm.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 125,38 điểm tương đương 1,25% lên mức 10.193,39 điểm.

Chỉ số Nasdaq tăng 25,03 điểm tương đương 1,14% lên mức 2.229,04 điểm.

Phiên cuối tuần chứng kiến sự tăng điểm của tất cả các nhóm ngành, mức tăng dao động từ 0,88% đến 2,8%.

Cổ phiếu các công ty sản xuất hàng hóa nguyên liệu thô tăng 2,8%. Cổ phiếu năng lượng tăng 2,07%.

Cổ phiếu tài chính, nhóm cổ phiếu dẫn dắt sự đi lên của thị trường, tăng 2,45%.

Cổ phiếu công nghệ tăng 1,37%.

Các chỉ số giảm điểm ngay từ đầu phiên, S&P 500 và Dow Jones đều giảm 0,98%, Dow Jones mất mốc 10 nghìn điểm vào đầu phiên.

9 rưỡi sáng, Dow Jones chỉ còn 9969,38 điểm. Sau đó Dow Jones giảm sâu hơn xuống mức 9938,70 điểm.

Từ 9h rưỡi sáng đến 1h sáng, Dow Jones 3 lần giảm điểm rồi lại trở lại trạng thái giảm điểm. Từ 11h sáng đến 3h chiều, nhìn chung các chỉ số duy trì trạng thái tăng điểm.

Mức cao trong ngày giao dịch được thiết lập lúc gần 12h trưa khi Dow Jones tăng 1,21% đạt 10.191,27 điểm. Sau 3h chiều, các chỉ số có giảm điểm nhẹ trong chốc lát nhưng khi nhà đầu tư tiếp tục đẩy mạnh mua vào cổ phiếu, ba chỉ số đều tăng mạnh ngay sau đó.

Chốt phiên Dow Jones tăng 1,25%, S&P 500 tăng 1,50%, Nasdaq tăng 1,13%.

Tính cả tuần, S&P 500 giảm 4,23%, Dow Jones hạ 4,01%, Nasdaq xuống 5,01%.

Phiên cuối tuần, cứ 3 cổ phiếu tăng điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm trên sàn New York, khối lượng giao dịch là 8,1 tỷ cổ phiếu so với con số 8,5 tỷ cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày thứ Năm.

Cổ phiếu JP Morgan Chase, Wells Fargo, Bank of America tăng ít nhất 4,5% và kéo các cổ phiếu khác thuộc nhóm tài chính của chỉ số S&P 500 tăng điểm.

So với cuối năm 2009, chỉ số Dow Jones hạ 2,25%, chỉ số S&P 500 giảm 2,46% và chỉ số Nasdaq mất 1,77%.

Thượng viện Mỹ sáng sớm ngày hôm qua đã thông qua kế hoạch cải tổ ngành tài chính toàn diện nhất tính từ thập niên 1930. Tỷ lệ phiếu thuận/phiếu chống là 59-39. Tuy nhiên dự luật này cần phải điều chỉnh tương đồng với dự luật đã được Hạ viện Mỹ thông qua.

Dự thảo đưa ra điều khoản cho phép xử lý mạnh tay các tổ chức tài chính mà cho đến gần đây được xếp vào diện “quá lớn để sụp đổ”. Dự luật cũng lập ra môt hội đồng kiểm soát rủi ro đối với nền kinh tế và hạn chế hoạt động kinh doanh phái sinh.

Nỗi lo châu Âu chưa dịu bớt

Trong tuần qua, chính phủ Đức công bố biện pháp cấm đầu cơ kinh doanh trái phiếu chính phủ châu Âu. Ngày thứ Sáu, chính phủ Đức nhắc lại lời kêu gọi trừng phạt mạnh tay các nước châu Âu dám “phá rào” chi tiêu tài khóa.

Hy Lạp hiện đang gặp khó khăn với vấn đề nợ nần, nhà đầu tư lo lắng cuối cùng khủng hoảng Hy Lạp sẽ tạo ra khủng hoảng cho các nhóm nước lân cận. Nếu các ngân hàng châu Âu thắt chặt tín dụng, nhóm ngân hàng khác trên thế giới cũng sẽ tiến hành tương tự và điều này ảnh hưởng xấu đến các nền kinh tế trên thế giới.

Kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều khó khăn

Thông tin từ châu Âu tuần này cũng nhắc nhở nhà đầu tư về đà phục hồi còn yếu của kinh tế Mỹ. GDP quý 1/2010 tăng trưởng 3,2%, thế nhưng mức tăng trưởng này không mạnh như mức tăng trưởng thường thấy sau mỗi đợt suy thoái sâu.

Các công ty chưa đẩy mạnh tuyển dụng, tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 9,9%, thị trường nhà đất chưa hồi phục.

Việc thị trường giảm điểm liên tiếp 3 tuần sau khi lập mức đỉnh cao vào tháng 4 đã “cuốn bay” 1,3 nghìn tỷ USD giá trị thị trường của nhóm công ty thuộc chỉ số S&P 500.

Con số này cao hơn gói giải cứu gần 1 nghìn tỷ USD mà châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế đã cam kết để vực dậy các nền kinh tế châu Âu.

Cafeland.vn
Theo Dân Trí,VnEconomy/Reuters

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland