09/01/2024 7:35 PM
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định sẽ có 18 cầu vượt sông Hồng (6 cầu đang khai thác, 3 cầu đang thực hiện đầu tư, 9 cầu chưa được đầu tư), sông Đuống có 4 cầu đã được hình thành.

Tại Hội thảo Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức sáng 9/1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và giao dịch quốc tế của cả nước; đóng vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, là một cực tăng trưởng của đất nước.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định sẽ có 18 cầu vượt sông Hồng.

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, lợi thế và thành tựu đã đạt được, trong những năm gần đây vị thế kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh/thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng.

Nếu như năm 2011, GRDP của Hà Nội chiếm 48% vùng đồng bằng sông Hồng thì đến 2022 chỉ còn 42,2%. Tốc độ tăng trưởng GRDP, tỷ trọng GRDP của Hà Nội cao hơn cả nước nhưng có xu hướng thấp dần so với vùng Đồng bằng sông Hồng (năm 2023 tăng trưởng của Thủ đô là 6,27%, thứ 9/11 tỉnh, thành đồng bằng sông Hồng). Quan trọng hơn, sự phát triển của Hà Nội còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư vốn, chất lượng tăng trưởng còn thấp.

Không gian phát triển công nghiệp chưa phát huy được tiềm năng. Sau khi sáp nhập, Hà Nội có 9 KCN, với diện tích 1.673,6 ha; trong khi đó Bắc Ninh với diện tích nhỏ hơn nhiều nhưng hiện có 16 KCN, diện tích 6.397,68 ha.

Trong bối cảnh đó, Quy hoạch Thủ đô hoàn thành sẽ là công cụ pháp lý đặc biệt quan trọng để các cấp chính quyền thành phố Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Đại diện đơn vị tư vấn trình bày dự thảo quy hoạch, GS.TS Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) cho biết thêm, Quy hoạch Thủ đô đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 6 mục tiêu về kinh tế; 5 mục tiêu về xã hội; 6 mục tiêu về môi trường; 2 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 01 mục tiêu về quốc phòng, an ninh.

Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD (tương đương khoảng 329 triệu đồng – 340 triệu đồng/người/năm); diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10 - 12 m2/người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65% - 70%...

Về phương án phát triển mạng lưới giao thông, Quy hoạch Thủ đô xác định có 13 tuyến đường bộ cao tốc; 10 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài khoảng 168 km; 38 tuyến đường tỉnh với 390 km.

Quy hoạch cũng định hướng phát triển tổng 14 bến xe khách, hiện đã có 6 bến đang khai thác; 8 bến xe tải, hiện đã có 1 bến khai thác. Đối với cầu vượt sông, quy hoạch xác định có 18 cầu vượt sông Hồng (6 cầu đang khai thác, 3 cầu đang thực hiện đầu tư, 9 cầu chưa được đầu tư), sông Đuống có 4 cầu đã được hình thành.

Với hệ thống đường sắt, quy hoạch định hướng phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị, 2 tuyến tàu điện một ray (Monorail) và 4 tuyến đường sắt quốc gia kết nối.

Khánh Chi
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.