Mới đây, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy (PCCC) thành phố Hà Nội đã công bố danh sách các công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC. Đáng chú ý, danh sách này tiếp tục có tên nhiều công trình từng bị điểm danh nhiều lần.
Theo thống kê của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy TP Hà Nội, tính đến hết ngày 31/5 vừa qua, qua kiểm tra rà soát gần 800 công trình đã phát hiện 79 công trình chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng. Đặc biệt, có đến 78/79 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu an toàn phòng cháy chữa cháy.
Lướt qua danh sách này, có thể điểm ngay một số công trình lớn vi phạm như: Tòa nhà Golden West (lô 2.5 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội); Tòa CT1, CT2, CT3 Xa La (khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông); Chung cư CT1 Usilk City (phường La Khê, quận Hà Đông); VP3,5,6 (Bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai).
Tòa nhà VP6 – Bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội tiếp tục nằm trong danh sách các công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC
Đáng lưu ý trong danh sách được công bố, hàng loạt dự án đã được nêu danh nhiều lần nhưng vẫn chậm chễ không có phương án khắc phục. Điển hình là dự án Golden West địa chỉ lô đất 2.5HH, đường Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân. Đây là dự án nhà ở kết hợp với văn phòng và kinh doanh thương mại, tuy nhiên chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn bàn giao căn hộ cho dân cư vào sinh sống hoặc kinh doanh thương mại.
Được biết, để chấn chỉnh tình trạng này, mới đây nhất vào ngày 27/5/2017, UBND quận Thanh Xuân đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với ‘khu vực tầng hầm và các tầng dịch vụ thương mại thuộc cụm nhà ở hỗn hợp chung cư kết hợp văn phòng và siêu thị”. Thời gian tạm đình chỉ từ ngày 27/5/2017 đến ngày 27/6/2017.
Cùng với đó là các tòa nhà VP3,5,6 (tại bán đảo Linh Đàm, quận Hoàng Mai) thuộc chủ đầu tư là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên cũng đã từng nằm trong danh sách chưa đảm bảo về PC&CC trong các lần trước đó. Theo ghi nhận của PV, tại tòa VP3 nhiều họng chữa cháy dưới sân tòa nhà đã hoen gỉ. Các đầu ra của những họng chữa cháy không có khóa hay văn nắp lại, phần gen cũng bị gỉ sét, không rõ đường nối. Rất khó để khẳng định những họng chữa cháy này có hoạt động bình thường hay không khi sự cố xảy ra.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, hệ thống PC&CC phải được tính toán ngay từ trong thiết kế ban đầu của tất cả mọi công trình. Đây là những yếu tố cơ bản, quyết định đến tính an toàn thiết yếu phải bảo đảm cho người dân. Luật PC&CC đã có những quy định rõ về trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý, do đó cần có biện pháp mạnh để nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan.
“Thực tế, diễn biến cháy nổ rất phức tạp do đó mọi yếu tố đảm bảo cho PC&CC đều phải đúng quy chuẩn và phải được kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Đặc biệt tại các tòa nhà chung cư, công trình cao tầng vốn là nơi tập trung đông người, việc đảm bảo an toàn PC&CC càng phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt” – PGS.TS Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát, một vấn đề nữa cũng được chuyên gia đặt ra, đó là khi các công trình này bị đình chỉ hoạt động, đồng nghĩa với việc các hộ dân sinh sống, kinh doanh tại các công trình đó cũng phải rời khỏi và sẽ chỉ có thể trở lại ổn định khi chủ đầu tư hoàn thiện mọi thủ tục theo quy định.
Tuy nhiên, trên thực tế để làm được điều này là không dễ dàng vì khó có thể đảm bảo quyền lợi của các hộ dân sinh sống, kinh doanh tại đây. Làm thế nào xử lý nghiêm những vi phạm nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của người dân là bài toán cần sớm có lời giải.
Tuấn Dũng (LĐTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.