Trong khi người dân sở tại đang thiếu đất sản xuất thì các công ty nông, lâm nghiệp lại quản lý quá nhiều đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Quá trình tái phân bổ đất nông, lâm trường vẫn dè dặt, lượng đất giao cho địa phương còn rất ít.

Theo thống kê, đất lâm nghiệp ở hai xã Trường Sơn và Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) chiếm tới 81,4% diện tích đất lâm nghiệp toàn huyện, trong đó, các lâm trường quản lý tới 91,5%, tương đương 91.464ha, còn người dân địa phương chỉ được giao quản lý khoảng 5.400ha (chiếm 5,4% diện tích đất lâm nghiệp). Thực tế này cũng đang diễn ra ở hầu hết các địa phương.

Có thể thấy, rừng và đất lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của cộng đồng dân cư, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tình trạng người dân thiếu đất ở và đất sản xuất xảy ra khá phổ biến. Đơn cử như ở Sơn La, theo thống kê, có 13.534 hộ thiếu đất sản xuất và đất ở; con số này ở Yên Bái là 9.799 hộ; Thái Nguyên 10.265 hộ…

Nghịch lý là, trong khi người dân sở tại đang thiếu đất sản xuất thì các công ty nông - lâm nghiệp lại quản lý quá nhiều đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Ví dụ như tại xã Minh Sơn (Hữu Lũng, Lạng Sơn), nơi định cư của nhiều đồng bào Dao, Nùng, bình quân mỗi hộ chỉ có 0,18ha đất ruộng, đất rừng mới giao 0,12ha/hộ, diện tích rừng còn lại đều thuộc quyền quản lý của Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc.

Trong kế hoạch tái phân bổ diện tích đất nông, lâm nghiệp dự kiến sẽ có khoảng 500.000ha đất sẽ được tiếp tục chuyển giao về địa phương quản lý và tái phân bổ cho các đối tượng khác sử dụng. Vấn đề đặt ra là sẽ giao diện tích đất này như thế nào? Liên quan đến vấn đề này, GS-TS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường - cho hay, trên con số rà soát đất tái phân bổ là khoảng 500.000ha, tuy nhiên, nếu rà soát kỹ thì có thể con số đó còn nhiều hơn nữa. Hiện nay một số địa phương cũng có thực hiện phân bổ đất nhưng vẫn dè dặt, lượng đất giao cho địa phương rất ít.

PGS-TS. Nguyễn Danh - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Gia Lai - cho rằng, có thể trên báo cáo, việc giao đất giao rừng đạt các mục tiêu đề ra nhưng thực tế, tranh chấp đất đai giữa người dân với các công ty nông, lâm nghiệp vẫn là mâu thuẫn khó giải quyết. Đơn cử như tại Công ty Lâm, Công nghiệp Kông Chiêng (Gia Lai), trong thời gian qua đã có 12 vụ việc tranh chấp, lấn chiếm đất đai giữa công ty và người dân địa phương.

Để quản lý nguồn đất tái phân bổ một cách hiệu quả, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, địa phương cần phải tập trung vào việc ưu tiên giao đất cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình cá nhân, việc này giúp giải quyết ổn định xã hội. Nếu địa phương giao cho doanh nghiệp thì họ đang tính toán câu chuyện kinh tế. Vì vậy, chính quyền địa phương cấp tỉnh phải rất mạch lạc trong quan điểm này, cần có tính toán, quy hoạch và chuẩn bị để đưa ra quyết định hợp lý, tránh trường hợp lệch lạc.

Theo các chuyên gia, cần thiết phải xây dựng tiêu chí, hạn điền và quy trình giao đất, giao rừng có sự tham gia đầy đủ và thật sự của các bên liên quan. Khi giao đất, giao rừng nên có tiêu chí về ưu tiên cho người dân tộc thiểu số tại chỗ, người nghèo, đồng thời ngăn chặn và giải quyết dứt điểm tình trạng người dân xâm canh xâm cư, phá rừng lấy đất canh tác, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tranh chấp đất đai thông qua việc tăng cường sự tham gia, phối hợp của các bên liên quan.

TS. Nguyễn Anh Phong - Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn) - bày tỏ, để minh bạch quá trình giao đất, cần phải rà soát, quy chuẩn lại khung pháp lý cho việc thực hiện chính sách và đánh giá hoạt động giao đất lâm nghiệp. Một khuôn khổ chính sách mới với một hệ thống giám sát và đánh giá thường xuyên có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan sẽ giúp Quốc hội và các cơ quan chính phủ quản lý đất lâm nghiệp chủ động và hiệu quả hơn; giúp người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số có quyền tiếp cận tới tài nguyên đất một cách minh bạch và công bằng.

GS-TS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Chính phủ đã có Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 về sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm trường. Tuy nhiên, việc sắp xếp vẫn còn chậm hoàn thành do vướng mắc về sử dụng đất. Nhiều địa phương chưa rà soát, bàn giao đất về địa phương theo quy định.



 

Nguyễn Hạnh (Báo Công thương)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.