28/06/2014 8:07 AM
Gần 150 gia đình ở bản Hỳ, bản Mè thuộc xã Ta Gia, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã nhận tiền đền bù được bốn năm rồi, Nhà máy thủy điện Bản Chát đã hoạt động nhưng chính quyền vẫn chưa san ủi mặt bằng, cấp đất cho dân dựng nhà tái định cư. Đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, ngày này qua tháng khác cứ thấp thỏm chờ đợi, nhiều lần phản ánh lên huyện nhưng cũng chỉ như “muối bỏ biển”.

Không xin ý kiến dân

Ông Lò Văn Xương, Chủ tịch UBND xã Ta Gia khẳng định: “Việc kéo dài cấp đất cho gần 100 hộ dân ở bản Hỳ là do chính quyền chọn vị trí tái định cư không tổ chức họp dân, lấy ý kiến. Dân lên điểm mới, thấy khó khăn thì không đi nữa”.

Chủ tịch xã Lò Văn Xương chỉ đường sạt lở vòng cung cạnh nhà dân rất nguy hiểm ở bản Nam (Ta Gia), nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Kế hoạch của tỉnh, của huyện là sẽ chuyển những hộ thuộc vùng ngập ở bản Hỳ (xã Ta Gia) của huyện Than Uyên lên điểm tái định cư mới ở huyện Tân Uyên cách nơi cũ khoảng hơn 60 km. Huyện Tân Uyên cũng đã tiến hành chọn đất thuộc xã Thân Thuộc, san ủi bằng phẳng để chuẩn bị đón bà con lên phân đất dựng nhà, ổn định đời sống ở nơi mới. Huyện Than Uyên cho hai xe khách về đón đại diện các hộ gia đình lên xem và nhận đất. Nhưng khi dân về nhà thì nhất định không đi nữa.

Họ bảo ở xa quá, nếu không chọn đất trong xã để chuyển dân lên thì dân cứ ở chỗ cũ… Nghe vậy thì cán bộ huyện Than Uyên, huyện Tân Uyên, cùng chính quyền xã nhẹ nhàng vận động, giải thích “vì lý do quỹ đất ở xã không có nơi bằng phẳng, đất có thể sẽ sụt lở gây nguy hiểm cho bà con”. Cán bộ nói cứ nói, các gia đình một mực không nghe. Như vậy đồng nghĩa với việc phần đất tái định cư mà huyện Tân Uyên đã san ủi đành bỏ không. Chính quyền huyện và tỉnh đành khảo sát chọn điểm Ten Co Mư, cách bản Hỳ khoảng 3 km để di dân lên.

Cầu bắc qua bản Gia (Ta Gia) thực hiện từ nguồn vốn tái định cư, sau hai lần tháo dỡ do sai kỹ thuật, giờ quá hạn hơn hai năm nhưng vẫn nằm chờ bổ sung kinh phí.

Bản Mè (Ta Gia) còn 48 hộ cũng chưa có mặt bằng để dựng nhà. Trong kế hoạch, các hộ ở bản Mè chỉ di vén lên cao hơn so với cốt ngập của dòng chảy thủy điện Huổi Quảng. Đến thời điểm này, chính quyền vẫn chưa tiến hành san gạt mặt bằng, cấp cho người dân dựng nhà. Một số gia đình nhà mục nát, bị đổ nên tự ý lên điểm tái định cư để dựng nhà ở tạm, mặc dù chưa được san ủi.

Khó khăn hơn, gỗ và vật dụng mà người dân bỏ tiền mua, chuẩn bị dựng nhà mới ở khu tái định cư do để ngoài trời, mưa gió đã mối mọt, hư hỏng hết. Các gia đình lại thêm một nỗi lo. Trước ở bản Hỳ có 20 ha ruộng, nay đã ngập 19 ha nên người dân phải khai hoang ở các khe suối để trồng lúa nhưng vẫn không đủ ăn.

Theo ông Chủ tịch xã Lò Văn Xương thì kế hoạch tái định cư cho bản Hỳ và bản Mè đang nằm trên giấy tờ, dân cứ chờ, cứ kêu có được gì đâu. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri của huyện, của tỉnh, người dân có bức xúc phản ánh nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời “Đó là khó khăn chung, Tập đoàn Điện lực không có tiền, Nhà nước cũng không có tiền”. Những lý giải vô trách nhiệm của chính quyền khiến người dân dù bức xúc cũng chỉ biết tặc lưỡi “Sua” - chịu thua, rồi lặng lẽ ra về.

Di tự do

Chính quyền thực hiện dự án chậm, không tiến hành san gạt mặt bằng cấp đất cho dân nên nhiều hộ ở bản Hỳ, bản Mè (Ta Gia) tự ý di tự do. Có gia đình ra mặt đường lớn của xã chiếm đất công để dựng nhà, có nhà thì lên điểm tái định cư mà chính quyền đã chọn để dựng nhà tạm, dù chỗ đó chưa được san ủi. Chính quyền xã vận động, tuyên truyền nhưng người dân nói, nhà cũ bị đổ không có nhà ở thì phải đi kiếm đất dựng nhà, đó là do lỗi của chính quyền chứ không phải do dân.

Ở bản Hỳ hiện đã có 30 hộ tháo nhà ở bản cũ, chuyển lên mặt đường lớn của xã chiếm đất dựng nhà cố định. Mặc dù, chính quyền xã đã lập biên bản, xử phạt hành chính vi phạm hành lang an toàn giao thông nhưng các hộ vẫn không tháo dỡ. Người dân nói “khi nào chính quyền cấp đất cho dân thì chúng tôi mới chuyển, trả đất lại cho xã”. Ở bản Mè, có bốn hộ, nhà xiêu vẹo, không thể chờ chính quyền cấp đất, nên tự ý tháo dỡ lên điểm mới dựng nhà.

Trưởng bản Hỳ, ông Hoàng Văn Sinh cho biết: “Bản 60 hộ ở lại, tuy nhà ở lụp xụp, xiêu vẹo sắp đổ nhưng vẫn cố gắng khắc phục chờ được cấp đất, chuyển lên dựng nhà mới. Bà con cứ đến nhà tôi kêu ca nhiều lắm, xã không làm được huống gì là trưởng bản như tôi. Mong các cấp chính quyền quan tâm, nhanh chóng san ủi mặt bằng để người dân chuyển nhà, ổn định đời sống, phát triển sản xuất”.

Anh Hà Văn Tị, ở bản Hỳ, nhà có năm khẩu, do nhà sắp đổ nên phải chuyển lên mặt đường cái lớn dựng nhà. Trao đổi với chúng tôi, anh Tị cho biết: “Tôi biết chiếm đất công, vi phạm hành lang là sai nhưng người dân chúng tôi biết làm thế nào? Dựng nhà ở bản cũ thì không được vì sẽ ngập, sau này dỡ đi thì lãng phí, chuyển lên điểm tái định cư thì chính quyền chưa san gạt, đành chịu nộp phạt nhưng có đất để gia đình dựng nhà ở ổn định là được”.

Gia đình anh Lò Văn Phứng, ở bản Hỳ, có 4 khẩu đang ở nhà trệt, lụp sụp nhưng không chuyển đi, cố chờ chính quyền cấp đất. Anh Phứng bức xúc nói: “Bốn năm rồi, chính quyền vẫn chưa cấp đất cho dân dựng nhà. Tiền đền bù gia đình tôi đã tiêu hết, gỗ lạt chuẩn bị cho làm nhà mới cũng đã hư hỏng, không biết khi có đất liệu lấy đâu ra tiền để làm nhà mà ở”. Theo như lời của ông Bùi Văn Chính, Trưởng Ban quản lý Dự án di dân tái định cư thủy điện Bản Chát, thủy điện Huổi Quảng huyện Than Uyên thì đến cuối năm 2015 mới có mặt bằng để chuyển các hộ dân ở bản Hỳ lên.

PV (Báo Tin tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.