Theo tìm hiểu của PV, năm 2010, giá mỗi căn hộ tại KĐT này có thể lên tới hơn 10 tỷ đồng. Còn tại thời điểm hiện nay, giá mỗi căn tại đây hơn 5 tỷ đồng. Nhiều người dân đang sinh sống tại KĐT Văn Phú cho rằng, chỉ vì tin tưởng vào thương hiệu của Cty CP Đầu tư và phát triển Văn Phú Invest (Cty Văn Phú) mà họ bị “quả đắng”.
Đến nay, những ngôi nhà trong KĐT Văn Phú đã được bán gần hết. Sau khi thu được mớ tiền của người dân, việc có hay không những căn hộ bị sụt lún nghiêm trọng thì Cty Văn Phú… “không cần biết”? Mặc dù còn thời gian bảo hành, mỗi căn hộ bị phát hiện có dấu hiệu sụt lún hoặc xuống cấp nghiêm trọng thì Cty Văn Phú chỉ cần “ra lệnh” cho các nhà đầu tư thứ cấp tìm cách khắc phục. Với cương vị là nhà đầu tư cấp 1, lẽ ra Văn Phú phải “đứng mũi chịu sào”, thì ngược lại, đơn vị này phủi trách nhiệm rồi đổ lỗi cho… “ông địa”. Đây là điều không thể chấp nhận được. Văn Phú và các nhà đầu tư thứ cấp chỉ cần bán nhà, thu tiền rồi “bỏ mặc” khách hàng. Và hàng trăm hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà “đáng sợ” đó đang lo lắng không biết nhà của họ còn tiếp tục bị sụt lún đến mức nào? Và liệu có đến mức nguy cơ sập nhà hay không?
“Khi phát hiện sự cố như lún, nứt, sụt, thì phải theo dõi một cách nghiêm túc”.
Trước việc có nhiều căn hộ trong KĐT Văn Phú đang bị sụt lún nghiêm trọng, PV báo PL&XH đã có buổi làm việc với PGS-TS Trần Chủng, Trưởng ban Chất lượng Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng xây dựng. PGS-TS Trần Chủng khẳng định: “Hiện tượng sụt lún nền xung quanh nhà, trong nhà là biểu hiện của công trình kém chất lượng. Cần điều tra nguyên nhân để có giải pháp khắc phục triệt để và công bố nguyên nhân của những vi phạm chất lượng đó”.
Theo PGS-TS Trần Chủng: "Nghị định 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng quy định: Khi phát hiện cá dấu hiệu sự cố như lún, nứt, sụt... thì phải được theo dõi một cách nghiêm túc. Việc theo dõi phải do các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp thực hiện. Các tổ chức này không chỉ có trang thiết bị để thực hiện khảo sát, họ cần có một đội ngũ kỹ sư và chuyên gia có trình độ để chẩn đoán mức độ hiện tại của sự cố mà còn phải phân tích và dự báo diễn biến của sự cố. Nghị định số 02/2006/NĐ-CP của Chính phủ ghi rõ các chủ đầu tư cấp 1 hay thứ cấp đều phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình xây dựng thuộc dự án do mình là chủ đầu tư. Họ phải tổ chức điều tra sự cố, tìm nguyên nhân và mức độ thiệt hại của sự cố. Ví dụ, nguyên nhân gây sụt lún do thi công sai so với thiết kế được duyệt thì nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, chủ đầu tư dự án cấp 1 phải chịu trách nhiệm về các vi phạm liên quan tới thẩm quản lý của mình như: công trình thuộc dự án cấp 2 có tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn cho công trình lân cận không?.. Nếu anh không quản lý những phần việc thuộc nghĩa vụ của anh thì anh vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới". Và như vậy, chủ đầu tư dự án cấp 1 (ở đây là Cty Văn Phú) vẫn là "ông chủ" của cả khu đô thị, và Cty này không được khoán trắng về chất lượng công trình cho chủ đầu tư thứ cấp. PGS-TS Trần Chủng cũng cho biết thêm:" Những chủ đầu tư mà không nghiêm túc phản ứng trước các sự cố sụt lún trên thì cơ quan chức năng phải can thiệp. Vì sự can thiệp này không chỉ là kiểm tra sự tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư mà phải buộc chủ đầu tư thực hiện hạn chế thiệt hại không chỉ đối với công trình của chủ đầu tư mà còn vì sự an toàn của cộng đồng và các công trình lân cận". Rõ ràng tình trạng sụt lún nghiêm trọng đang xảy ra tại KĐT Văn Phú mà Cty cho rằng tại địa chất là không thuyết phục. Nếu trong tương lai gần,Cty Văn Phú và 17 nhà đầu tư thứ cấp không có biện pháp khắc phục tình trạng sụt lún nói trên , người dân có thể làm đơn yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc để xác định nguyên nhân và quy trách nhiệm cụ thể đối với Cty này. |
-
KĐT Văn Phú: Nhà chưa ở đã nứt toác
Khu đô thị (KĐT) Văn Phú từng được quảng bá là một KĐT hiện đại. Nhưng đến nay, một số căn nhà chưa được sử dụng đã bị sụt lún và nứt toác…