21/05/2013 4:14 PM
Kì I: Phá nhà của dân chỉ bằng “lệnh miệng”

Điều 32 Luật Đất đai 2003 và tất cả các Nghị định hướng dẫn thi hành đều quy định: Khi thu hồi đất phải ra quyết định (QĐ)… Thế nhưng, những nông dân bị lấy đất làm Khu Công nghiệp Giao Long II tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre lại không hề thấy "mặt mũi" văn bản này. Đã thế, không ít người còn bị phá dỡ nhà "chay", chính quyền không cần ban hành quyết định cưỡng chế…

Áp giá “bèo” rồi ra “tối hậu thư”

Bà Nguyễn Thị Quýt, 66 tuổi, ngụ tại ấp 3, xã Phước An, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết: Gia đình bà có gần 4.300m2 đất lúa liền kề khu dân cư nhưng bị UBND huyện thu hồi hết để làm khu công nghiệp. "Họ lấy nhưng chẳng có giấy tờ thu hồi mà chỉ kêu lên nói mồm, sau đó đưa ra mấy thứ giấy tính giá bồi thường" - vừa nói, lão nông xứ dừa Đồng Khởi vừa đưa cho phóng viên mấy tờ giấy cũ nhàu - "Đây, tất cả chỉ như vầy! Xòe những "chứng cứ" bà Quýt đưa, thấy vỏn vẹn chỉ có bốn loại giấy tờ: Hai bảng chiết tính đền bù, hỗ trợ ngày 25/7/2011 và 6/2/2012, văn bản trả lời khiếu nại "không có cơ sở" của bà Quýt ngày 29/1/2013 và biên bản trao văn bản (trả lời khiếu nại) ngày 22/2/2013! Trong hai bảng chiết tính có một bảng đề là "dự thảo". Bảng "nháp" này không hề có khoản hỗ trợ 30% đất ở (dẫn đến chênh lệch thiếu so với bảng chiết tính chính thức lên tới hơn 300 triệu đồng). Cuối bảng tính tạm giá thấp còn in đậm dòng "tối hậu thư": Trong vòng 5 ngày, nếu không đồng ý phải "gửi đơn đến cán bộ địa chính xã, quá thời hạn trên Hội đồng sẽ hoàn chỉnh phương án bồi thường...", trong khi theo NĐ số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ thì thời gian niêm yết lấy ý kiến tối thiểu phải 20 ngày...

Cưỡng chế trái luật!

Bà Quýt không thể đồng ý với giá đền bù rẻ mạt (36.000 đồng/m2, trong khi giá thị trường không dưới 1.000.000 đồng/m2) nên 7 tháng sau, bảng chiết tính thứ hai ra đời và đã "sửa sai" phần nào bằng cách nâng đơn giá lên 40.000 đồng/m2, cộng thêm phần trăm giá đất ở. "Nếu bà Quýt không thắc mắc, chắc người ta đã "chốt giá" và khoản 30% giá đất ở liền kề không nhỏ ấy đã bị ỉm đi... Vậy, vì sao người ta lại tính tạm không đầy đủ và đưa ra đơn giá theo kiểu khởi điểm, giá sàn?", một người dân nghi vấn. Còn bà Quýt: "Không chỉ vậy đâu, đất của con tôi, thằng Võ Ngọc Dũng, sổ đỏ ghi rành rành 525m2 đất trồng cây lâu năm thế mà bồi thường chỉ hơn 363m2, mất tiêu đâu gần 170m2! Ai là người ngang nhiên chiếm tiền bồi hoàn của nó?".

Gia đình bà Trần Thị Phượng bên căn nhà tạm trên đất mượn.

"Hoàn cảnh" hơn ông Dũng, năm 2004 bà Trần Thị Phượng được mẹ đẻ cho mảnh đất 1.459m2 để ra ở riêng. Có đất, vợ chồng bà gom góp tiền bạc làm một ngôi nhà gỗ, nền gạch tàu rộng 50m2 để ở (làm nghĩa vụ đóng thuế nhà đất hằng năm). Diện tích còn lại, 500m2 trồng lúa, 500m2 lên luống lập vườn trồng dừa, mận, ổi, chuối... Thế nhưng, khi bị giải tỏa trắng, chẳng những gia đình bà không được bồi thường đất ở, mà còn bị "quên" hỗ trợ tiền thuê nhà (mặc dù được lãnh tiền di chuyển ở mức cao nhất (4.500.000 đồng) và có hộ khẩu tại chính địa chỉ ngôi nhà).

Dẫu đã nâng tiền bồi thường, hỗ trợ từ hơn 238 triệu đồng (bảng dự thảo) lên 372 triệu đồng (bảng chính thức), song 11 tháng sau, bà Phượng lại bị truy thu gần 19 triệu đồng. Thuyết minh sự "bớt, xén" này, ông Trần Văn Thọ, Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Gia đình bà Phượng có tỉ lệ giải tỏa 59%, không phải 100%, do đó chỉ được hỗ trợ khoản ổn định đời sống và sản xuất 12 tháng (không được 24 tháng như phê duyệt). "Đau" hơn, cuối năm 2012 ngôi nhà, nơi cư ngụ duy nhất của gia đình lại bị cào bằng không thương tiếc!

Mất nhà đi ở nhờ!

Đứng trước căn nhà lè tè mới dựng tạm trên mảnh đất mượn của người chị gái, bà Phượng rơm rớm, nói không tròn tiếng: "Vợ chồng tôi đang đi làm thuê thì nghe người dân báo nhà bị dỡ nên vội chạy về gom đồ... Họ đưa lực lượng đến kéo sập nhà nhưng không có QĐ cưỡng chế và thông báo trước!". Vừa quăng bao cỏ "to hơn người" từ vai áo bạc sờn, người đàn ông U50 đen đúa tiếp lời vợ: "Vợ chồng tôi giờ đã mất hết nhà cửa, ruộng vườn vậy mà xin mãi họ vẫn không cho suất tái định cư... Chúng tôi bị thu hồi sạch bách như thế nhưng ông Chủ tịch Thọ lại bảo chỉ giải tỏa 59% là cớ làm sao?". Bà Phượng cho biết thêm: "Họ quyết tâm phá nơi cư ngụ của gia đình tôi tưởng là triển khai dự án ngay, ai dè bây giờ vẫn để đất hoang, không thấy mần chi!"…

Chẳng riêng hộ bà Trần Thị Phượng, nhiều hộ khác cũng bị thu hồi đất không có QĐ thu hồi, bị phá dỡ nhà không ra QĐ cưỡng chế, cũng như áp giá bồi thường, hỗ trợ bọt bèo... Ông Võ Văn Ri cho biết: Gia đình ông thuộc diện bị giải tỏa trắng và bị "đánh úp" sập nhà nhưng tổng cộng tiền bồi hoàn, hỗ trợ chưa đầy 14 triệu đồng. "Đã thế, còn không cho tôi suất đất tái định cư. Xin mãi họ mới cho nhưng bắt đóng 84 triệu đồng. Tiền đâu mà đóng? Vậy là mất đất, mất nhà!" - giọng người nông dân như mếu! (Còn nữa)

Mạc Hồng Kỳ (Người cao tuổi)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.