Giai đoạn 2011 - 2016, tái cơ cấu kinh tế như một cao trào rầm rộ nhưng gần như sau đó rơi vào cảnh thoái trào, khiến giới chuyên gia phải đặt câu hỏi: "tái" bao giờ mới "chín"? Sự trở lại của quá trình "tái" này vào giai đoạn 2016 - 2020 trở nên bài bản hơn nhiều.
Bản báo cáo của Chính phủ trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Kỳ họp áp chót của nhiệm kỳ 2016 - 2020, về quá trình 5 năm tái cơ cấu kinh tế của nhiệm kỳ này, đã nhận được những đánh giá cao từ cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Ủy ban Kinh tế khẳng định, các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đạt được nhiều kết quả tích cực. Thể chế về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực từng bước được hoàn thiện, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập.
Nhà nước đã thể hiện rõ hơn vai trò trong việc sử dụng các công cụ chính sách và nguồn lực của mình để định hướng, điều tiết quá trình huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực theo cơ chế thị trường thông qua việc tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi; nâng cao quyền tự do, bình đẳng trong kinh doanh, tiếp cận cơ hội kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường...
Rất nhiều thách thức
Để có thể "chín", tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 phải vượt qua rất nhiều thử thách và thậm chí là cả những đòn "chí mạng" như đại dịch Covid - 19 xuất hiện vào đầu năm 2020, đúng vào giai đoạn nước rút của việc thực hiện quá trình này.
Còn nhìn lại năm đầu của giai đoạn 2016 - 2020, nền kinh tế rất nhiều điểm nghẽn, dư địa chính sách hạn hẹp trong khi tình hình địa chính trị, địa kinh tế thế giới, khí hậu, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường đã tạo ra rất nhiều khó khăn, thách thức. Và những thách thức này đã và đang tiếp tục đeo bám liên tục trong suốt 5 năm qua.
Vừa phải đồng thời giải quyết những hạn chế của giai đoạn trước, vừa phải tạo cho được bước chuyển về chất lượng tăng trưởng, đổi mới mô hình tăng trưởng, Chính phủ đã hoàn thành được 11/22 mục tiêu đề ra cho quá trình tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 -2020, trong đó có nhiều mục tiêu vượt xa so với kế hoạch đề ra.
Đó là, các chỉ tiêu về năng suất, đổi mới công nghệ đạt và vượt mục tiêu đề ra, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân khoảng 45%, vượt xa so với mục tiêu 30%-35%. So với năm 2016, xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu của nước ta cải thiện 17 bậc, lên vị trí 42/131 nền kinh tế năm 2020, dẫn đầu trong nhóm 29 nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Singapore và Malaysia).
Các mục tiêu về nợ công hoàn thành vượt xa mục tiêu đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia, giảm áp lực trả nợ lên ngân sách nhà nước. Xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia cải thiện 10 bậc trong giai đoạn 2017 - 2019, lên vị trí 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, qua đó thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với ASEAN-4...
Điều làm nên khác biệt
Điều làm nên khác biệt để tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 có thể đi đến giai đoạn "chín" là Chính phủ đã xác định và cụ thể hóa các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có rất nhiều các mục tiêu định lượng, nhờ đó có thể giám sát được tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ bên cạnh việc thường xuyên đôn đốc, đánh giá. Kế hoạch đưa ra các định hướng lớn, trọng tâm cơ cấu lại do các bộ, ngành và địa phương căn cứ vào thực tiễn của từng ngành, địa phương.
Chính phủ cũng đã ra hẳn một Chương trình hành động của Chính phủ, giao 108 nhiệm vụ cụ thể cần thực thi cho các bộ, ngành, địa phương. Nhiều văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế và tạo khung pháp lý cho quá trình cơ cấu lại toàn diện nền kinh tế gắn với đổi mới sâu rộng mô hình tăng trưởng, đặc biệt là tập trung xử lý các vấn đề lâu nay còn yếu kém đã được ban hành.
Theo đó, có khoảng 234 văn bản các loại đã được soạn thảo và ban hành để triển khai các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 26 Luật và Bộ Luật góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc tồn tại từ giai đoạn trước.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Phó trưởng Ban thường trực. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình hành động, các văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá hàng năm và giữa kỳ về tình hình và kết quả triển khai.
Ngoài ra, Chính phủ cũng tổ chức thảo luận về kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế trong hội nghị Chính phủ với địa phương nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong thúc đẩy việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Nhìn chung các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện có trách nhiệm, quyết liệt và thực chất các chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đã có sự chuyển biến cả về tư duy, quyết tâm và hành động cụ thể trong công tác xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế. Tính đến ngày 31/7/2020, tất cả các nhiệm vụ đã được triển khai, trong đó 37,96% nhiệm vụ đã có kết quả rõ ràng, 59,26% nhiệm vụ đã có kết quả bước đầu, và chỉ có khoảng 3,70% số nhiệm vụ đã triển khai nhưng vẫn còn chậm so với kế hoạch.
"Chưa nước nào làm được như Việt Nam"
Có mặt trong danh sách 5 chỉ tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt xa so với kế hoạch đề ra là chỉ tiêu về nợ công, nợ Chính phủ. Giảm gánh nặng nợ đã thực sự là kỳ tích. Cụ thể, quy mô nợ công giảm mạnh, từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55% GDP cuối năm 2019. Trong 3 năm giảm tới gần 10%, theo nhận xét của Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, là "chưa có nước nào làm được như Việt Nam".
Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ công có thể lên đến 57-58% GDP, song vẫn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016-2020 là không quá 65% GDP. Quy mô nợ Chính phủ đã giảm mạnh từ 52,7% năm 2016 xuống 48% GDP đến cuối năm 2019, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu không quá 54%.
Quay trở lại thời điểm vừa bước nhiệm kỳ 2016 - 2020 là đầu năm 2016, mới càng thấy nỗ lực phi thường của Chính phủ trong giảm gánh nặng này. Khi đó, cả nền kinh tế oằn lưng với nợ nần khi tính đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%), số nợ phải trả hàng năm vùn vụt tăng.
Nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% tổng thu ngân sách nhà nước (nếu tính cả trả nợ gốc thì bằng trên 26% trong khi giới hạn an toàn nợ công thường nhắc đến với tiêu chí tổng số nợ công không quá 65% GDP và tổng số nợ hàng năm phải trả không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước. Chi trả nợ giai đoạn 2011-2015 gấp 1,86 lần giai đoạn 2006-2010. Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018.
Trước Quốc hội khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói thẳng về thực trạng, "ngân sách đang căng thẳng như đi trên dây, nếu mấy năm tới có thể đứt dây thì chúng ta chết". Cả guồng máy chính trị đã vào cuộc để cứu lấy nợ công. Năm 2017, lần đầu tiên, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này còn Quốc hội tiến hành sửa đổi dự Luật Quản lý nợ công.
Đến cuối năm 2017, sau 10 năm liên tục "xé rào", Chính phủ bắt đầu cầm cương được bội chi và kể từ đó chấm dứt thời kỳ "xé rào" của con số này, đưa nợ công quay đầu. Bội chi và nợ công ngày càng giảm sâu, tốc độ tăng nợ công đã giảm hơn một nửa. Nếu như giai đoạn 2011 - 2015 là hơn 18% thì giai đoạn 2016 - 2020 chỉ hơn 8%. Quan trọng hơn, nợ công đã được cơ cấu lại tốt hơn trước rất nhiều.
Kỳ hạn bình quân danh mục trả nợ vốn vay trái phiếu, vay trong nước lên gần 7 năm, trong khi năm 2011 - 2012 là là 2,9 năm. Lãi suất bình quân giai đoạn 2011 - 2013 phát hành là 12 - 13%/năm nhưng 2 năm gần đây xuống còn khoảng 4,6%, kỳ hạn 13 năm.
Vào tháng 5/2020, Tạp chí The Economist công bố bảng xếp hạng "sức khỏe" tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi, trong đó Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau đại dịch Covid-19, được đánh giá là quốc gia mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh dựa trên 4 nhân tố: nợ công, nợ quốc gia, chi phí vay và dự trữ ngoại hối. Việt Nam cũng không có chỉ số nào ở mức báo động.
Bước hụt vì đại dịch
Có 7 mục tiêu có khả năng không hoàn thành, chiếm 31,8% tổng số mục tiêu đề ra. Trong đó, có 2 mục tiêu bước hụt một cách rất đáng tiếc vì lẽ ra là hoàn thành nếu như không vấp phải đại dịch. Đó là mục tiêu tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và mục tiêu tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng. Cả hai mục tiêu này đến năm 2019 đã hoàn thành.
Tuy nhiên, tác động tiêu cực của COVID - 19 ngay từ đầu năm 2020 làm cho sản xuất bị đình trệ, nhu cầu hàng hóa và dịch vụ sụt giảm, dẫn đến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, tình trạng nợ xấu có thể gia tăng, thu ngân sách nhà nước có thể giảm trong khi chi ngân sách nhà nước tăng do phải hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn; từ đó dẫn đến 2 mục tiêu này rơi vào nhóm có khả năng không hoàn thành.
Chất lượng thể chế quản lý đầu tư công cũng còn khá nhiều điểm "tối" khiến cho mục tiêu nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 4 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN-4), là một trong 7 mục tiêu không hoàn thành. Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, quy trình theo dõi, đánh giá kế hoạch và dự án đầu tư công chưa được coi trọng, chưa đồng bộ, thiếu các tiêu chí lượng hóa hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án 6 ; tính minh bạch, trách nhiệm giải trình liên quan tới đầu tư công chưa cao.
Hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý đầu tư công còn hạn chế, vẫn còn tình trạng không tuân thủ quy định về báo cáo thực hiện đầu tư công 7 , không chấp hành nghiêm các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn, việc chuẩn bị đầu tư và phê duyệt dự án của một số dự án đầu tư công còn mang tính hình thức để có điều kiện ghi vốn, trong quá trình triển khai thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung làm giảm hiệu quả đầu tư.
-
Kinh tế Việt Nam bắt đầu làm quen với tầm cấp mới
Hiện tượng quy mô nền kinh tế Việt Nam vượt qua Singapore đang dần dần từ ngạc nhiên đến thực tiễn?
-
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hướng tới mốc lịch sử 800 tỷ USD
Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15% so với năm trước và vượt 2,5 lần kế hoạch được giao....
-
Năm 2025, dự báo xuất khẩu sang Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng
Năm 2025 hứa hẹn là một năm phát triển mạnh mẽ trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, với tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt khoảng từ 125 đến 130 tỷ USD, theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ....
-
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12%
Dự kiến xuất khẩu cả năm 2024 ước đạt trên 404 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2023. Sang năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục đặt ra mục tiêu thách thức với xuất khẩu tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2024....