Các khoản đầu tư của tập đoàn kinh tế vào ngân hàng, chứng khoán, BĐS, bảo hiểm, quỹ đầu tư sẽ phải được thoái vốn xong trước năm 2015. Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế cuối tuần trước.

Tái cấu trúc tập đoàn kinh tế Nhà nước: Bắt đầu rút vốn từ ngân hàng và BĐS


Việc thoái vốn khỏi các ngành kinh doanh không liên quan theo đúng lộ trình có thể làm các tập đoàn kinh tế nhà nước mất đi khoản lợi nhuận không nhỏ, nhưng cái được lớn nhất là vì lợi ích của toàn bộ nền kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu thoái vốn vốn nhà nước khỏi các hoạt động kinh doanh ngoài ngành nghề chính, giải thể hoặc chuyển giao những DN thua lỗ kéo dài… nhằm tập trung vốn, nguồn lực vào những lĩnh vực then chốt mà nhà nước cần đầu tư, để đảm bảo các tập đoàn thực hiện tốt các nhiệm vụ chính.


Hiện nay, 11 tập đoàn kinh tế nhà nước đang nắm giữ tới 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng vốn chủ sở hữu và gần 40% lao động của khu vực DNNN. Nếu tính trong tổng số DN của toàn bộ nền kinh tế, 11 tập đoàn kinh tế nhà nước chiếm tới 10% tổng giá trị tài sản, trên 14% tổng số vốn chủ sở hữu và 7,6% lao động hợp đồng dài hạn.


“Việc các tập đoàn dùng uy tín, nguồn lực của nhà nước để đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể làm được sẽ làm giảm cơ hội và hạn chế sự phát triển của khu vực tư nhân. Hơn nữa, thực tế việc đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế nhà nước không mang lại hiệu quả, thậm chí thua lỗ, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành SXKD chính và hệ lụy cho sự phát triển chung của tập đoàn”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông lưu ý. Chính vì vậy, nhằm giải quyết những bất cập trên, theo đề xuất của Bộ KH&ĐT, đẩy mạnh tái cấu trúc tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó việc tái cấu trúc thực hiện theo hướng không duy trì mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực; điều chỉnh, sắp xếp lại lĩnh vực đầu tư, giảm bớt số lượng ngành nghề liên quan của các tập đoàn kinh tế nhà nước để tập trung hơn nữa vào một số công đoạn, khâu then chốt trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, những công đoạn mang hàm lượng giá trị gia tăng cao, góp phần tạo mạng liên kết sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị và động lực phát triển kinh tế cho các khu vực DN khác.


Áp lực nặng nề


Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, muộn nhất là trong quý I/2012, các bộ, ngành chức năng phải hoàn thành mô hình sắp xếp của các tập đoàn kinh tế nhà nước theo hướng tập trung vào ngành nghề chính mà Chính phủ giao.


Áp lực tái cơ cấu theo định hướng này chắc chắn sẽ đặt nặng trách nhiệm lên các tập đoàn kinh tế nhà nước, bởi mức độ đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính vẫn còn rất lớn. Tổng đầu tư ngoài ngành của 11 tập đoàn (không tính Vinashin) là trên 19.500 tỷ đồng, trong đó dẫn đầu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với 6.708 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, với 3.848 tỷ đồng. Dù vẫn có ý kiến cho rằng, tỷ trọng đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn so với vốn chủ sở hữu vẫn nằm trong phạm vi cho phép, song nếu nhìn vào lĩnh vực đầu tư và con số tuyệt đối thì giá trị đầu tư lớn và cần phải xem xét. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là tài chính, ngân hàng, chứng khoán, BĐS, bảo hiểm... Đây là những lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro cao.


Ví như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng đầu tư ngoài ngành là 2.107 tỷ đồng, nhưng chỉ có 5 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành khác, còn lại hơn 2.100 tỷ được đầu tư vào bảo hiểm, chứng khoán, BĐS...? (chiếm 99,8%). Tập đoàn Dầu khí đầu tư 5.636 tỷ đồng (chiếm trên 84% tổng đầu tư ngoài ngành) vào lĩnh vực nhạy cảm kể trên. Ngoài ra, theo Bộ KH&ĐT, một số tập đoàn như Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng, EVN có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tương đối cao, tương ứng là 3,91 và 4,25 lần (hệ số an toàn vốn là dưới 3 lần). Với cách tiếp cận căn cứ cả vào hệ nợ trên vốn chủ sở hữu và hiệu quả kinh doanh hiện nay của các tập đoàn kinh tế nhà nước, Bộ KH&ĐT cho rằng, EVN hiện đang có nguy cơ rủi ro ở mức độ cao và các tập đoàn ở khối xây dựng và kinh doanh BĐS rủi ro ở mức trung bình.


Kế hoạch thoái vốn của đa phần tập đoàn kinh tế nhà nước bắt đầu với lĩnh vực ngân hàng, BĐS. PVN cho biết, đang tiến hành tái cơ cấu và thoái vốn tại nhiều DN BĐS. Trước đó, PVN có đợt làm “gắt gao” bằng cách rút vốn đầu tư, chuyển nhượng vốn để giảm tỷ lệ đầu tư ra ngoài ngành khá mạnh. Tuy nhiên, hiện PVN vẫn còn vốn khá lớn tại hai ngân hàng là PG Bank và Ocean Bank. Cùng lúc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng có nhiều động thái mạnh mẽ trong thực hiện yêu cầu thoái vốn khỏi các ngành kinh doanh không liên quan. Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh khẳng định sẽ hoàn thành nhiệm vụ này trong vòng một đến hai năm tới.

Theo Bá Mạnh (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh