Sau khi đưa ra nhiều giải pháp "nóng" như bơm thanh khoản, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm xử lý tận gốc những yếu kém của các ngân hàng.
Tái cấu trúc ngân hàng Việt Nam, nhìn từ Nhật Bản
Tái cơ cấu ngân hàng là trọng tâm của tái cơ cấu thị trường tài chính Việt Nam

Năm 1998, sau khi đưa ra một số giải pháp “nóng” như bơm thanh khoản, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm xử lý tận gốc những yếu kém của các ngân hàng. ĐTCK tiếp tục giới thiệu bài viết của TS. Phạm Tiến Đạt, Phó chủ nhiệm Bộ môn TCDN, Học viện Ngân hàng về vấn đề này.

Ban hành hàng loạt văn bản luật liên quan

Cuối tháng 9/1998, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật Khôi phục hệ thống ngân hàng nhằm giải quyết khoản nợ khổng lồ. Nội dung cơ bản của luật này gồm: Lập một ủy ban khôi phục tài chính; Các ngân hàng thua lỗ bị phá sản theo Luật Phá sản và đặt dưới sự quản lý của Nhà nước theo 2 cách, hoặc là Chính phủ mua cổ phiếu của các ngân hàng bị phá sản, hoặc chuyển thành các ngân hàng cầu nối cho đến khi khu vực tư nhân mua lại; Cho phép ngân hàng Nhật mua lại ngân hàng phá sản hoặc Chính phủ sẽ tạm thời quốc hữu hóa…

Ngày 12/10/1998, 8 dự án luật liên quan tới các ngân hàng bị phá sản đã được Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn. Theo đó, Chính phủ có thể bơm tiền vào một số ngân hàng với một số điều kiện nhất định: Nếu ngân hàng có tỷ lệ vốn chủ sử hữu trên tổng tài sản cao hơn 4% thì Chính phủ có thể mua cổ phiếu thường hay cổ phiếu ưu đãi của ngân hàng nhưng giám đốc của ngân hàng sẽ buộc phải từ chức, ngân hàng phải giảm số chi nhánh và phải đóng cửa chi nhánh ở nước ngoài. Nếu tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản của ngân hàng thấp hơn 2% thì ngân hàng sẽ tạm thời bị quốc hữu hóa, sau đó phải ngừng hoạt động, sáp nhập với ngân hàng khác hoặc cắt giảm mạnh quy mô hoạt động.

Khoảng 18 nghìn tỷ yên từ công quỹ được chi ra để xử lý những ngân hàng bị phá sản theo quy định của các luật này và 25 nghìn tỷ yên nữa được rót vào các ngân hàng khỏe mạnh. Thủ tướng Nhật Bản Kenzo Obuchi hy vọng, các cuộc cải tổ ngân hàng sẽ đặt nền móng cho sự hồi phục của nền kinh tế đất nước.

Chia nhóm ngân hàng để tái cấu trúc

16 ngân hàng hàng đầu Nhật Bản, bao gồm Ngân hàng Công nghiệp Nhật Bản, Fuji, Sumitomo, Daiwa, Tokai, Yasuda Trust và cả Sanwa đã tuyên bố xin tài trợ gần 65 tỷ USD để giải quyết những khoảng trống do các khoản nợ khó đòi để lại. Chỉ có Bank of Tokyo Mitsubishi tuyên bố là họ có thể tự tăng vốn hơn 2.130 triệu USD thông qua việc phát hành. Vấn đề là số tiền này có đủ sức để “lôi” các ngân hàng ra khỏi “vũng lầy” khủng hoảng hay không vì theo một số nhà phân tích, nhiều ngân hàng vẫn không trả được nợ ngay cả khi đã nhận được khoản viện trợ của Chính phủ theo chương trình cải cách này.

Cơ quan đánh giá tín dụng của Mỹ Standard & Poor khi đó nhận định tổng số nợ quá hạn và nợ khó đòi của Nhật có thể gấp 2 lần so với con số ước lượng của Chính phủ. Theo đánh giá của Moody’s, toàn bộ tiến trình cải cách hệ thống ngân hàng này có thể phải mất 2 - 3 năm và đòi hỏi phải chi tới 20% tổng thu nhập quốc nội của Nhật.

Vì thế, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu phân chia các ngân hàng nước này thành 2 nhóm: nhóm thứ nhất là các ngân hàng cho vay lành mạnh, sắp giải quyết dứt điểm các khoản nợ khó đòi; nhóm thứ hai là các ngân hàng đang phải vật lộn với nợ xấu. Mặc dù quy mô thực tế của nhóm thứ nhất nhỏ hơn rất nhiều so với nhóm thứ hai, song nó là nơi tập trung những ngân hàng khổng lồ, khỏe mạnh nhất như Bank of Tokyo Mitshubishi Ltd., Sumitomo Bank Ltd.,. Sanwa Bank Ltd., Asahi Bank Ltd, Tokai Bank Ltd, là điểm tựa cho quá trình phục hồi của toàn bộ hệ thống này.

Sự phân chia này, theo các nhà phân tích, sẽ tạo ra sự phân cực rõ ràng, nhất là trong hoạt động kinh doanh chứng khoán, mà kết quả của sự phân cực này là các ngân hàng nhỏ sẽ ngày càng khó khăn hơn trên TTCK. Bank of Tokyo Mitsubishi Ltd., ngân hàng lớn nhất Nhật Bản và lớn thứ 2 thế giới cũng đã phải sa thải 1/6 số nhân viên và bán đi một phần chi nhánh Union Bank of Califonia tại Mỹ.

Bên cạnh việc xin bơm vốn, các ngân hàng cũng thành lập các liên minh. Chẳng hạn, Ngân hàng Sumitomo Trust với Công ty Sumitomo; Daiichi Kangyo và Fuji sáp nhập các công ty con trong lĩnh vực ngân hàng và có kế hoạch mua công ty quản lý tài sản của Yasuda Trust. Trước khi Ngân hàng Tín dụng Nhật Bản bị quốc hữu hóa, họ đã có kế hoạch sáp nhập với Chuo Trust and Banking để trở thành một ngân hàng toàn năng. Đây cũng là một hướng đi khả thi về lâu dài.

Các chính sách để cứu trợ cho hệ thống ngân hàng Nhật Bản trong năm tài chính 1998 đã được ban hành liên tục, cho thấy Chính phủ Nhật Bản đã thừa nhận sự yếu kém trong hệ thống đó và cũng chứng tỏ đây là “điểm nóng nhất” và quyết tâm của Chính phủ trong tiến trình cải cách hệ thống tài chính nước này.

Bài học đối với Việt Nam

Một là, cần sớm phát hiện và cho đóng cửa các tổ chức tín dụng, ngân hàng “có vấn đề” về tài chính, nhất là khối ngân hàng cổ phần; xúc tiến cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém; kiểm soát chặt chẽ hơn và ngăn chặn tình trạng cho vay, thanh toán đối ngoại tràn lan, giảm bớt các bảo lãnh dễ dãi của NHNN dành cho các ngân hàng, các tổ chức tín dụng yếu kém để ngăn chặn những tổn thất tài chính to lớn có thể xảy ra.

Hai là, tổng kết, nghiên cứu, áp dụng các loại hình ngân hàng, công ty tài chính mới, bao gồm tổ chức dạng quỹ hoặc công ty đảm trách việc xử lý tài sản thế chấp, mua bán nợ để thu hồi vốn cho ngân hàng. Đặc biệt, với hệ thống NHTM cổ phần hiện nay, hoạt động còn chưa có kinh nghiệm, hiệu quả thấp, cần chấn chỉnh bằng cách mua lại, sáp nhập, liên kết để hình thành những ngân hàng mạnh hơn. Việc chấn chỉnh này cũng cần có bước đi thích hợp, được xem xét cặn kẽ qua kiểm toán, sự thống nhất giữa các thành viên trong tổ chức mới.

Ba là, tăng cường sức mạnh hoạt động cho các NHTM, trước tiên, cần tăng vốn điều lệ, vốn tự có và năng lực quản lý, điều hành hoạt động ngân hàng, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và sức đề kháng của ngân hàng trước những biến động của thị trường. Nâng cao chất lượng tín dụng nhằm hạn chế rủi ro, đảm bảo số lượng ngân hàng ít nhưng an tòan và hiệu quả hơn.

Bốn là, nhanh chóng cụ thể hóa chính sách, cơ chế, thể lệ, quy chế để phát triển hệ thống các NHTM đủ tiêu chuẩn kinh doanh đa năng, thích ứng với cơ chế thị trường mới. Phân định rạch ròi giữa nhiệm vụ chính sách và kinh doanh, có sự thể hiện rõ vai trò trung gian tài chính và không ngừng nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ tài chính, tín dụng cho nền kinh tế.

Đặc thù của hệ thống tài chính và ngân hàng Việt Nam là rất dễ bị tổn thương. Dù đã có những chuyển biến đáng kể qua nhiều năm đổi mới song về cơ bản, trình độ quản lý và kinh doanh nói chung của hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam còn nhiều bất cập. Trên cơ sở chọn lọc những kinh nghiệm, giải pháp mà các nước trong khu vực, nhất là Nhật Bản, căn cứ vào tình hình thực tế, những đặc thù riêng của hệ thống ngân hàng trong nước để tìm ra những phương pháp xử lý một cách khéo léo, linh hoạt, thận trọng nhưng cũng khẩn trương, kiên quyết. Tất nhiên, chúng ta không sao chép hoặc đi theo đường của bất kỳ nước nào. Những vấn đề do quá khứ để lại cần phải khắc phục ngay, không để dẫn đến tình trạng dồn nén, cộng hưởng một lúc nhiều vấn đề cả cũ và mới như vấn đề nợ khó đòi của Nhật Bản.

Theo TS. Phạm Tiến Đạt (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.