Hàng triệu mét vuông đất, những “tấc vàng” quý giá của quốc gia đang bị sử dụng sai mục đích, bị các đại gia “cá mập” thâu tóm với giá rẻ mạt núp dưới vỏ bọc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Hậu quả là hàng chục nghìn tỷ đồng bị thất thoát, tài sản nhà nước bị hô biến, chảy sang túi cá nhân, trong khi ngân sách đang phải chắt chiu từng đồng vốn để đầu tư.
Khu đất tại đường Âu Cơ, quận Tân Phú, TP.HCM của Công ty cổ phần Lưới thép Bình Tây
Việc những khu đất “vàng” bị thâu tóm bằng nhiều thủ thuật qua quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã không còn là hiện tượng cá biệt.
Câu hỏi đặt ra là làm sao quá trình này được thực thi một cách minh bạch, để tài sản nhà nước không bị thất thoát và ngân sách có thêm nguồn thu quý báu trong bối cảnh đang phải chắt chiu từng đồng vốn phục vụ mục tiêu đầu tư phát triển.
Muôn mặt thủ thuật thâu tóm
Câu chuyện liên doanh hợp tác đầu tư của Tổng công ty Lương thực miền Nam trên khu đất rộng hơn 6.000 m2 tại 34-36 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du (TP.HCM) với nghi vấn làm thất thoát tài sản nhà nước vẫn chưa hết tính thời sự.
Tổng công ty Lương thực miền Nam đã ký biên bản thỏa thuận với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng Việt Hân để thành lập công ty TNHH 2 thành viên nhằm khai thác khu đất có vị trí đắc địa.
Giá trị thị trường của đất, tài sản trên đất được định giá khoảng 730 tỷ đồng, nhưng Tổng công ty Lương thực miền Nam cam kết thoái toàn bộ vốn góp sau 3 tháng thành lập. Như vậy, chỉ sau một khoảng thời gian quá ngắn ngủi, toàn bộ khu đất “vàng” mặc nhiên rơi vào tay nhà đầu tư còn lại.
“Hoạt động trên thực chất là lách luật để chuyển nhượng đất cho nhà đầu tư”, Kiểm toán Nhà nước đánh giá về trường hợp này.
Công ty cổ phần Lưới thép Bình Tây cũng là một trường hợp khác gây sự chú ý của công luận. Doanh nghiệp đang quản lý 3 khu đất gồm số 117 đường Âu Cơ (quận Tân Phú, TP.HCM) có diện tích hơn 13.000 m2; khu đất tại phường 10, quận 6 có diện tích hơn 4.000 m2; khu đất hơn 1.100 m2 tại phường 7, quận 6. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các khu đất này đều chỉ có thời hạn đến năm 2006, nhưng từ đó đến nay, doanh nghiệp không bị thu hồi đất, mà tiếp tục nộp tiền thuê đất hàng năm.
Công ty cổ phần hóa từ năm 2003, do nằm trong diện phải di dời nhà máy theo quyết định của UBND TP.HCM nên đã triển khai liên danh, liên kết với đối tác xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thực hiện dự án chung cư cao tầng.
Với số vốn điều lệ vỏn vẹn 19 tỷ đồng, việc quyền thuê các lô đất trên không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện thoái vốn tại Công ty đã gây ra bức xúc trong nội bộ doanh nghiệp. Công đoàn Lưới thép Bình Tây gửi đơn khiếu kiện khắp nơi và việc thoái vốn đã phải dừng lại.
Những vụ việc như tại Tổng công ty Lương thực miền Nam hay Công ty cổ phần Lưới thép Bình Tây không phải là cá biệt.
Trong Báo cáo kiểm toán chuyên đề thực hiện Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015, Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, một số DNNN có quỹ đất lớn, vị trí lợi thế cho kinh doanh, nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc trong diện phải di dời, đã không thực hiện trả lại đất cho Nhà nước, mà kêu gọi nhà đầu tư cùng liên doanh, hợp tác đầu tư bằng cách góp giá trị lợi thế quyền thuê đất để khai thác quỹ đất hiện có, sau đó thực hiện thoái toàn bộ vốn góp. Việc thành lập công ty chỉ là hình thức nhằm thâu tóm đất đai.
“Đối với DNNN, nếu không có nhu cầu sử dụng đất thì trả lại đất cho Nhà nước, tránh tình trạng DNNN lách luật chuyển nhượng đất thuê nhà nước cho đối tác”, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị sớm có chế tài cho vấn đề này.
Báo cáo kiểm toán cũng chỉ ra thực trạng phổ biến về việc giá trị lợi thế quyền thuê đất đã không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa hoặc thoái vốn.
Nhìn vào những trường hợp đấu giá thoái vốn nhà nước thành công gần đây, có thể thấy một cách rõ ràng rằng, nếu quy trình được thực hiện khác đi, công khai, minh bạch hơn, ngân sách nhà nước lẽ ra đã có thể thu thêm được hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng từ hàng triệu mét vuông quyền sử dụng đất nằm trong tay các DNNN cổ phần hóa, doanh nghiệp mà Nhà nước thoái vốn trước đó.
Hơn thế, quy trình này còn góp phần tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư, xóa đi những nghi ngại về hoạt động kinh doanh “cánh hẩu”.
Cuối năm 2015, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đem bán đấu giá gần 40 tỷ đồng vốn tại Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên (đơn vị quản lý Khách sạn Kim Liên tại phố Đào Duy Anh, quận Đống Đa, Hà Nội) với giá khởi điểm gần 120 tỷ đồng. Nhờ cuộc đấu giá này, ngân sách đã thu về hơn 1.000 tỷ đồng!
Trước đó, 7 tỷ đồng vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư phát triển và xây dựng Thikeco được đưa ra đấu giá, kết quả thu về gần 100 tỷ đồng do Công ty này có quyền quản lý nhiều lô đất tại nội đô Hà Nội, trong đó có lô đất rộng 7.000 m2 tại phố Lương Thế Vinh (phường Trung Văn), mặc dù các lô đất này đều thuộc dạng trả tiền thuê đất hàng năm.
Hay mới đây, phiên bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (Idico) – một doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn – có giá trúng bình quân gấp hơn 2 lần mức dự kiến hồi năm ngoái.
Trong kiến nghị gửi tới Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, nhất thiết phải xem xét tính giá trị lợi thế quyền thuê đất nhà nước vào giá trị khởi điểm đảm bảo tính đầy đủ giá trị lợi thế của doanh nghiệp, tránh thất thoát khi thoái vốn nhà nước.
“Lao” đã giương, chỉ cần phóng
Nếu ví các quy định, chế tài như những “mũi lao” có thể ngăn chặn, săn bắt “cá mập” thâu tóm bất minh tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, thì có thể thấy những mũi lao đó đã được giương lên sẵn sàng. Song điều quan trọng là chúng cần được phóng đi!
Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và Nghị định 01/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai là hai trong số những mũi lao đó, với quy định, khi cổ phần hóa, doanh nghiệp có trách nhiệm rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
Các nghị định này cũng nêu rõ, cơ quan có trách nhiệm xác định giá đất cụ thể để tính giá trị quyền sử dụng đất, tính giá thuê đất khi cổ phần hóa DNNN, đăng công khai giá đất đã xác định trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính ít nhất là 15 ngày trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Đặc biệt, theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP, những vấn đề liên quan đến quá trình cổ phần hóa được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra sau khi doanh nghiệp đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần thì mọi tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định hiện hành. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự thì chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý.
Thế nhưng, mỗi năm, có hàng trăm doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, vậy mà trên website của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính, nhóm thông tin buộc phải công bố ấy lại rất đìu hiu. Và dù việc giá trị lợi thế quyền thuê đất đã không được tính vào giá trị doanh nghiệp vẫn là thực trạng phổ biến như báo cáo kiểm toán nhà nước đã chỉ ra, số vụ việc bị phát hiện hay đề nghị xử lý dường như vẫn chỉ là những hạt muối bỏ biển.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 126/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/1/2018 thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP. Theo đó, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trường hợp công ty cổ phần được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất làm dự án bất động sản, phải xác định lại giá trị sử dụng đất để tính vào giá trị doanh nghiệp. Còn nếu đề xuất của doanh nghiệp chưa phù hợp, không được phê duyệt, doanh nghiệp phải trả lại đất cho Nhà nước.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhận xét, quy định này sẽ ngăn ngừa việc doanh nghiệp cố “ôm” toàn bộ diện tích đất đang quản lý, đồng thời chấm dứt tình trạng định giá đất 0 đồng một cách vô tội vạ.
Rõ ràng, hành lang pháp lý để chế tài quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước ngày càng đầy đủ và nghiêm khắc, việc thực thi nghiêm túc các quy định này chắc chắn sẽ giúp bịt lỗ hổng thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.
Vấn đề đặt ra là làm sao để những quy định ấy được thực thi nghiêm túc, để ngân sách sớm đạt được mục tiêu thu được 60.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong năm nay và đạt 250.000 tỷ đồng vào năm 2020.
Một trong những câu trả lời là cần xử lý nghiêm sai phạm, lợi ích nhóm, thất thoát vốn nhà nước và đề cao trách nhiệm người đứng đầu, như quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra.
Những mũi lao được phóng trúng đích chắc chắn sẽ biến những “tấc vàng” quý giá trở thành nguồn lực phát triển đất nước thay vì lợi ích bất minh của vài nhà đầu tư “cá mập”.
Anh Việt (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.