20/05/2022 10:20 AM
Nhìn chung, các nước ASEAN có thể chịu tác động nhỏ từ căng thẳng Nga – Ukraine trong một thời gian ngắn. Điều này là do các nước này không phải là nguồn nhập khẩu chính của thép bán thành phẩm và thép thành phẩm của ASEAN.

Tác động đến ngành thép ASEAN

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu thô, trong đó có ngành thép. Cụ thể, cuộc xung đột này sẽ khiến nguồn cung thép toàn cầu suy giảm và hỗ trợ giá mặt hàng này tăng lên, đặc biệt là tại thị trường châu Âu.

Hiện nay, hầu hết các nước ASEAN đều nhập khẩu thép nguyên liệu và thép thành phẩm. Được biết, Nga hiện đang là một trong những nguồn cung cấp thép thành phẩm, đặc biệt là thép dẹt lớn nhất. Trong khi đó, nhập khẩu các sản phẩm từ thép từ Ukraine của các nước trong ASEAN vẫn ở mức thấp.

Ngành thép ASEAN có thể chịu tác động nhỏ từ căng thẳng Nga-Ukraine trong một thời gian ngắn

Theo số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu quặng sắt từ Nga và Ukraine không đáng kể (<6%). Tuy nhiên, Việt Nam nhập khẩu khoảng 17% lượng than luyện cốc từ Nga vào năm 2020 và 15% trong năm 2021. Năm 2020, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines nhập khẩu 11,1%, 10,9%, 7,5% và 6,6% tổng lượng của họ. than bitum, chủ yếu là than luyện cốc từ Nga.

Về mặt hàng phôi thép, hiện các nguồn nhập khẩu phôi cacbon chính trong khu vực ASEAN là Oman, Ấn Độ, Nga và Bahrain. Trong đó, nhập khẩu phôi thép từ Nga chiếm 10% tổng lượng nhập khẩu của cả khu vực.

Trong năm 2021, nhập khẩu thép tấm trong khu vực tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 3 triệu tấn. Các nguồn cung cấp thép tấm cacbon chính trong khu vực là Ấn Độ, Oman, Nga và Nhật Bản. Cụ thể, nhập khẩu từ Nga chiếm tỉ trọng 20%, trong khi đó, nhập khẩu từ Ukraine chỉ chiếm lượng nhỏ với 40.000 tấn.

Đối với các mặt hàng thép thành phẩm, trong năm 2021, các nước ASEAN đã nhập hơn 1,7 triệu tấn. Nga là nguồn nhập khẩu lớn nhất, chiếm 20% tổng lượng nhập khẩu bên cạnh các nguồn cung từ Nhật Bản, Oman, Ấn Độ, Iran và Indonesia.

Ngoài ra, đối với các sản phẩm khác như hợp kim thép, thép thanh, thép tấm, thép tôn mạ hay thép cuộn cán nóng HRC, sản lượng nhập khẩu của các nước ASEAN từ Nga và Ukraine là không đáng kể.

Thời cơ của doanh nghiệp thép Việt

Các doanh nghiệp thép Việt Nam có thể tìm thấy cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang châu Âu, thay thế khoảng trống do Nga để lại

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến nguồn cung thép toàn cầu suy giảm cũng như thay đổi dòng chảy thương mại thép toàn cầu.

Việc mất thị trường châu Âu sẽ buộc các hãng sản xuất thép tại Nga tập trung vào thị trường châu Á, cạnh tranh trực tiếp với các quốc gia sản xuất thép lớn trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Thị trường thép châu Á có thể sẽ bị chao đảo nếu như các hãng sản xuất thép của Nga giảm giá mạnh để tăng cường tiêu thụ lượng thép tồn kho.

Ngược lại, các nhà sản xuất thép tại châu Á, trong đó có Việt Nam có thể tìm thấy cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang châu Âu, thay thế khoảng trống do Nga để lại. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất thép tại châu Âu đang chịu tác động tiêu cực từ việc giá năng lượng tại đây tăng vọt.

Trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã tận dụng việc nguồn cung bị gián đoạn, chênh lệch giá thép tại châu Âu nên đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thép sang các thị trường này.

Cụ thể, công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã ký hợp đồng xuất khẩu lô thép cuộn cán nóng HRC tới Italy với khối lượng 35.000 tấn từ đầu tháng 2 năm nay. Với Nam Kim, trong năm 2022 công ty dự kiến sẽ tăng thêm 200.000 tấn công suất tẩy mạ nhờ mở rộng nhà máy ở Bình Dương và tái cơ cấu kho hàng.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.