Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa ký tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Sức ép nhà ở tại đô thị ngày càng tăng
Thị trường nhà ở còn thiếu đa dạng và mất cân đối trong quan hệ cung cầu. Ảnh: Thành Lon
Những vấn đề bất cập của thị trường bất động sản và nhà ở, đất ở đã được Bộ Xây dựng nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan.

Công chức khó mua nhà

Thực tế vừa qua cho thấy sự thiếu đồng bộ giữa chính sách nhà ở với chính sách về đất đai, đầu tư, quy hoạch và tài chính nhà ở, dẫn đến các chính sách có liên quan đến lĩnh vực nhà ở mặc dù đã được ban hành khá nhiều nhưng vẫn còn chồng chéo, chưa thống nhất, gây nhiều khó khăn cho công tác phát triển và quản lý nhà ở. Quan hệ cung - cầu về nhà ở vẫn còn mất cân đối và nhiều bất cập. Thị trường nhà ở thiếu đa dạng về chủng loại, đặc biệt là thiếu loại nhà ở có quy mô nhỏ và giá cả phù hợp, thiếu loại nhà ở dành để cho thuê phục vụ các đối tượng thu nhập thấp đang chiếm số đông trong xã hội.

Thị trường bất động sản nói chung và thị trường nhà ở, đất ở nói riêng trong thời gian vừa qua biến động phức tạp theo xu hướng giá cả tăng cao, vượt quá khả năng về tài chính của một bộ phận lớn dân cư, dẫn đến sức ép về nhà ở ngày càng tăng, đặc biệt là tại khu vực đô thị. Bộ Xây dựng đã nhìn nhận một thực tế, các đối tượng là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp rất khó khăn trong việc tạo lập nhà ở cho bản thân và gia đình. Hiện tượng đầu tư, làm giá, mua đi bán lại nhà ở kiếm lời diễn ra tương đối phổ biến và đã từng gây ra "sốt ảo", làm cho thị trường phát triển thiếu bền vững. Thị trường nhà ở phi hàng hóa có sự điều tiết của Nhà nước còn thiếu, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho một bộ phận lớn dân cư đô thị, ảnh hưởng tới mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.

Mất cân đối về cơ cấu

Tại khu vực đô thị, cơ cấu nhà ở còn chưa hợp lý, tâm lý muốn sở hữu nhà ở, muốn ở nhà thấp tầng gắn với đất còn phổ biến, vì vậy tỷ trọng nhà ở chung cư chỉ chiếm 1,23% tổng số nhà ở cả nước, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ nhà chung cư cao nhất nhưng mới đạt tỷ lệ 16,64%, trong khi đó tại TP. HCM tỷ lệ nhà chung cư mới đạt 6,13%. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ chú trọng phát triển nhà ở thương mại cao cấp, diện tích lớn để bán với giá cao cho những người có thu nhập cao mà chưa quan tâm phát triển các loại căn hộ có diện tích nhỏ, có giá bán phù hợp với người dân có thu nhập thấp, trung bình. Việc thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở để cho thuê gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù tốc độ phát triển nhà ở đạt tốc độ cao trong thời gian vừa qua, nhưng vẫn còn không ít hộ gia đình phải sống trong các căn nhà chật hẹp, chất lượng kém. Cả nước vẫn còn hơn 770.000 hộ gia đình có diện tích nhà ở bình quân dưới 5 m2/người.

Thời gian qua, chỉ một số đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng… thực hiện việc phát triển nhà ở theo dự án, còn nhiều địa phương khác vẫn thực hiện hình thức chia lô, bán nền. Bộ Xây dựng đánh giá, kế hoạch phát triển nhà ở vẫn phụ thuộc vào tiến độ thực hiện dự án của các chủ đầu tư, Nhà nước chưa chủ động để can thiệp, cân đối cung - cầu, thiếu quỹ đất để phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo.

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 hướng tới mục tiêu mỗi năm đầu tư xây dựng mới khoảng 100 triệu mét vuông sàn nhà ở, trong đó tối thiểu khoảng 20% diện tích sàn trong các dự án phát triển nhà ở đô thị được dành cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo; chú trọng tăng tỷ trọng nhà ở chung cư, nhà ở dành để cho thuê theo hướng vừa khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, đồng thời Nhà nước chủ động đầu tư phát triển quỹ nhà ở để cho thuê.


Theo Minh Thu (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland