14/04/2014 3:02 PM
NHNN đang hoàn thiện để ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 13/2010/TT - NHNN ngày 20/5/2010, quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. So với Thông tư 13, Dự thảo thông tư mới có những quy định mới khắt khe hơn nhiều.

Một điều cũng dễ thấy trong Dự thảo thông tư này là những quy định cụ thể hơn về đối tượng cho vay và các bên liên quan. Cụ thể, Dự thảo quy định tổng dư nợ tín dụng cấp cho thành viên sáng lập/cổ đông lớn từ 5% trở lên và các bên liên quan không được quá 5% vốn điều lệ của TCTD và không được quá phần góp vốn của thành viên sáng lập/cổ đông lớn (mệnh giá) đầu tư vào TCTD.

Không cho cổ đông vay mua chứng khoán

Đây là bài học rút ra từ một vài trường hợp, trong đó có ACB. Vào năm 2012, ông Kiên và vợ sở hữu trực tiếp 8% của ACB (tương đương mệnh giá 750 tỷ đồng và giá trị sổ sách 1.009 tỷ đồng). Tuy nhiên, ông Kiên và các bên liên quan đã vay trực tiếp và gián tiếp khoảng 8.625 tỷ đồng.

Theo đó, Dự thảo định nghĩa rộng hơn đối với người vay và các bên liên quan. Trong một số trường hợp, NHNN có thể quyết định thêm các cá nhân/tổ chức vào danh sách khách hàng liên quan dựa vào giả định hợp lý. NHNN yêu cầu các ngân hàng phải thông báo bất kỳ thay đổi nào trong danh sách thành viên sáng lập hoặc cổ đông lớn sở hữu trên 5%, thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát và các bên liên quan.

Dự thảo cũng quy định, tất cả các TCTD phải báo cáo cho ĐHCĐ những khoản tín dụng cấp cho tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên, thanh tra viên, kế toán trưởng, người sáng lập, cổ đông lớn nắm giữ 5% trở lên, người thẩm định/phê duyệt tín dụng.

Một điểm mới trong Dự thảo có thể ảnh hưởng tới giá cổ phiếu ngân hàng, đó là, "thành viên HĐQT, TGĐ, PTGĐ, thành viên HĐQT và những người liên quan không được vay vốn để mua cổ phiếu. Cổ đông sáng lập, cổ đông lớn (nắm giữ từ 5% trở lên) không được vay vốn đầu tư cổ phiếu", Dự thảo quy định.

Dự thảo cũng nhấn mạnh việc các TCTD không được cho vay với các biện pháp đảm bảo nợ vay bằng bất cứ hình thức đảm bảo nào của TCTD khác, đảm bảo bằng cổ phiếu của ngân hàng khác. TCTD cũng không được cho vay mua cổ phiếu của ngân hàng khác và dùng cổ phiếu này làm tài sản đảm bảo nợ vay.

Tình trạng vốn ảo sẽ được hạn chế

Ts. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia ngân hàng, cho rằng các qui định mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc vay vốn đầu tư cổ phiếu, chủ yếu cổ phiếu ngân hàng, của các cổ đông lớn. Hiện nay, hầu hết các cổ đông lớn ở các ngân hàng đều sử dụng một phần tiền vay để góp vốn. Cổ phiếu hình thành từ vốn vay lại được cầm cố ở ngân hàng để vay tiếp.

Giảm tình trạng vốn ảo

Một trong những điểm mới của Dự thảo là yêu cầu cổ đông, chủ sở hữu phải góp bổ sung vốn nếu giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm thấp hơn mức vốn pháp định.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên NHNN yêu cầu các ngân hàng báo cáo con số này. Các ngân hàng sẽ tính toán con số này sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro theo quy định pháp luật và tính đầy đủ các khoản thu nhập và chi phí. "Nếu giá trị thực của vốn điều lệ của TCTD giảm xuống dưới mức vốn pháp định thì TCTD phải tìm cách tăng vốn điều lệ lên bằng vốn pháp định và thông báo việc này cho NHNN", dự thảo nhấn mạnh.

Theo CTCK Tp.HCM (HSC), quy định này tạo nên cơ sở để thúc đẩy các TCTD có giá trị thực của vốn điều lệ/vốn được cấp thấp hơn vốn pháp định nhanh chóng tăng vốn. Ts. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao HĐQT BIDV, cũng cho rằng nếu quy định trên được ban hành sẽ khắc phục được tình trạng vốn điều lệ ảo ở một số TCTD. "Nếu vốn điều lệ, vốn được cấp của TCTD giảm thấp hơn mức vốn pháp định sẽ dẫn đến vi phạm các tỷ lệ bảo đảm an toàn như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), các giới hạn cấp tín dụng, tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn (LDR)… sẽ ảnh hưởng lớn đến thanh khoản của ngân hàng", Ts. Lực phân tích.

Một trong những sửa đổi quan trọng của Dự thảo là chỉ tiêu an toàn tài chính theo qui định, bao gồm đảm bảo khả năng chi trả; tỷ lệ dự trữ thanh khoản tối thiểu; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất và riêng lẻ 9%; tỷ lệ cho vay trên huy động 85%; tỷ lệ tối đa 30% dùng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và đặc biệt tuân thủ giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan… mới được cung ứng tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.

"Nếu các TCTD không đáp ứng được các yêu cầu trên thì không được tiếp tục cho vay mua cổ phiếu với các đối tượng đã nêu; không được gia hạn các khoản nợ đã vay và phải có biện pháp xử lý vấn đề trong thời gian qui định", dự thảo nhấn mạnh.

Theo dự thảo, các khoản cấp tín dụng để góp vốn/mua cổ phiếu tại các TCTD khác sẽ bị trừ ra khỏi Vốn cấp 1 khi việc tính toán CAR; cho vay chứng khoán và bất động sản có hệ số rủi ro 150% (giảm so với mức 250% trong Thông tư 13);
"Quy định mới này sẽ làm giảm CAR của các TCTD đã cấp tín dụng với mục đích góp vốn/mua cổ phiếu tại các TCTD khác. Điều này sẽ giúp hạn chế việc cho vay nhằm mục đích góp vốn/mua cổ phiếu tại các TCTD khác. Đây là một điều chỉnh khá khắt khe trong thông tư mới", HSC bình luận.

Minh Huệ (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.