Một nội dung thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người dân trong quá trình lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sau đây gọi tắt là Dự thảo) chính là các quy định về đất đai tại Chương III. Đáp ứng sự kỳ vọng đó, Dự thảo đã có nhiều sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với sự phát triển và hội nhập, trong đó điển hình là quy định “Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”.

Ảnh minh họa

Tiếp tục hiến định nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân

Trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, đã từng có luồng ý kiến cho rằng, các vấn đề bất cập trong quản lý đất đai (trong đó có tình trạng gia tăng khiếu kiện đông người, tình trạng tiêu cực trong quản lý đất đai) có nguồn gốc từ chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai, nên cần xem xét lại quy định về chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai, thay thế bằng hình thức sở hữu khác như sở hữu nhà nước.

Về vấn đề trên, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh: “Những bức xúc trong lĩnh vực đất đai hiện nay chủ yếu nằm trong khâu quản lý đất đai và sự chưa đầy đủ của hệ thống pháp luật về đất đai thuộc sở hữu toàn dân cũng như sự yếu kém trong khâu tổ chức thực hiện pháp luật chứ không hẳn là do việc tiếp tục duy trì chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai hay không”.

Trên tinh thần đó, Điều 58 của Dự thảo vẫn kế thừa quy định chế độ sở hữu toàn dân với đất đai nhưng đã có quy định rõ quyền sử dụng đất được coi là quyền sở hữu tài sản, Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết.

Luật sư Lê Anh Văn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, nhận định các vấn đề bất cập trong quản lý đất đai có nguồn gốc từ chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai là chưa hoàn toàn thuyết phục. Ông Văn nêu quan điểm: “Trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp này, nếu đặt vấn đề xem xét lại quy định về chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai thì phải hết sức thận trọng, tránh gây ra nhiều sự xáo trộn, khó lường trong tâm lý, nhận thức, tình cảm của nhiều bộ phận dân chúng có liên quan”.

Tuy nhiên, theo ông Văn, cần tiếp tục “giải mã” khái niệm sở hữu toàn dân để các quy định về sở hữu toàn dân không bị hiểu sai lệch và bị lạm dụng trong thực tế.

Luật sư Trần Vũ Vương (Đoàn Luật sư Hà Nội) thì phân tích, đất đai tự bản thân nó không thể là tài sản mà phải có sự đầu tư (đầu tư trồng trọt, công trình kiến thúc, hạ tầng...). Bởi thế, ông Vương cũng nhất trí quan điểm đất đai là tài sản quốc gia, sở hữu toàn dân, Nhà nước giao đất cho tổ chức, cá nhân quản lý sử dụng, công nhận và bảo hộ quyền của họ đối với quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

Công nhận quyền sử dụng đất là quyền tài sản

Khoản 2 Điều 58 Dự thảo quy định: “Quyền sử dụng đất là quyền tài sản”, đây là quy định hoàn toàn mới và tiến bộ trong khi Hiến pháp hiện hành không quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản.

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng quy định như vậy là phù hợp bởi lẽ đất đai là tài sản đặc biệt, là tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng nên nó rất có giá trị. Việc quy định giá trị quyền sử dụng đất là cần thiết và coi đó là quyền tài sản để người sử dụng có quyền đi thế chấp, đi vay trong quan hệ dân sự, kinh tế. “Và từ tinh thần của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thì Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang lấy ý kiến rộng rãi cũng có hẳn một chương riêng quy định về giá đất và giá trị quyền sử dụng đất”, ông Thảo nói.

Tuy nhiên, ông Thảo vẫn băn khoăn việc bồi thường trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Dự thảo quy định 5 trường hợp Nhà nước bồi thường, bao gồm vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

“Vậy cả 5 trường hợp trên bồi thường có bình đẳng, ngang như nhau hay không?. Ở đây chúng ta phải thấy rằng nếu thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia thì Nhà nước thay mặt toàn dân để có quyết định giá bồi thường.

Còn vì lợi ích công cộng thì hiện đều có giá trị kinh tế, đặc biệt là các dự án phát triển kinh tế - xã hội mà vẫn đòi ưu đãi về giá bồi thường giống như vì mục đích quốc gia thì không được. Cho nên cần phải tách ra và tách ra như thế nào thì nên quy định rõ trong Hiến pháp thì mới có cơ sở luật hóa trong Luật đất đai”, ông Đinh Xuân Thảo bày tỏ quan điểm.

Còn Luật sư Vũ Văn Vương thì cho rằng, vấn đề thu hồi đất lâu nay là nguồn cơn phát sinh khiếu kiện phức tạp và những vụ mất an ninh trật tự trong nhiều năm qua, đặc biệt hơn đây là lĩnh vực mà nhiều tổ chức, cá nhân trục lợi. Vì vậy, ông Vương đề nghị, cần quy định rõ ràng hơn về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, mục đích thu hồi.

Cụ thể, sửa lại Khoản 3 Điều 58 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp như sau: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng và có bồi thường trong trường hợp đất được thu hồi phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ công trình giao thông, công trình công cộng; thu hồi đất phục vụ mục đích khác được thực hiện sau khi có thỏa thuận bồi thường giữa các bên liên quan. Thẩm quyền thu hồi đất và phương thức bồi thường theo quy định của pháp luật”, ông Vương nhấn mạnh.

Tán thành với ông Vương về việc bỏ cụm từ “và các dự án phát triển kinh tế - xã hội” tại Khoản 3 Điều 58 Dự thảo, Luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Công ty Luật Basico, Đoàn Luật sư Hà Nội) lý giải nguyên nhân là vì sự mơ hồ, mênh mông của khái niệm “các dự án phát triển kinh tế - xã hội”, có nguy cơ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của cá nhân và doanh nghiệp sử dụng đất. “Khó có thể tìm ra dự án nào mà không nhằm mục đích phát triển kinh tế hoặc xã hội”, ông Đức nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị tránh tình trạng đất đai tích tụ vào một số doanh nghiệp, thu hồi đất của nông dân thiếu thỏa đáng, lấy đất nông nghiệp để phát triển đô thị tạo ra chênh lệch địa tô lớn, kéo giãn khoảng cách giàu nghèo; đồng thời giao đất, cho thuê đất cần có hạn điền...

“Chế định sở hữu đất đai toàn dân là sự ghi nhận thành quả cách mạng về đất đai của dân tộc ta, nó phù hợp với lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền và dù đất đai là do tự nhiên sinh ra, song vốn đất đai quý báu ngày nay mà có được là do công sức, mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam tạo lập nên, vì vậy nó phải được thuộc về sở hữu của toàn dân.

Việc thiết lập chế định sở hữu toàn dân về đất đai góp phần vào việc giữ ổn định quan hệ đất đai, tránh gây những xáo trộn không cần thiết và duy trì sự ổn định về chính trị, xã hội là tiền đề rất quan trọng để phát triển đất nước”.

TS.Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp)

  • Thua lỗ, đại gia lẩn trốn cổ đông

    Thua lỗ, đại gia lẩn trốn cổ đông

    Trước mùa đại hội cổ đông, do thua lỗ, nhiều DN BĐS đang đau đầu về việc chi trả cổ tức ra sao khi lợi nhuận trong năm qua hầu như không có, thậm chí thua lỗ. Tình thế đẩy các lãnh đạo tới chỗ tìm cách tránh mặt và lo sợ khi đối diện với cổ đông trong ngày đại hội. <br/br>

Uyên San (Pháp luật Việt Nam)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.