Sáng 11-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng trước Quốc hội. Dự luật lần này tập trung sửa đổi, bổ sung 51 điều, hủy bỏ 1/168 điều của Luật Xây dựng 2014. Đáng chú ý là dự luật đã đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, miễn giấy phép xây dựng (GPXD) đối với một số công trình xây dựng…
Công trình nào không cần GPXD?
Trình bày tờ trình về dự luật, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết dự luật lần này tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định về cấp GPXD (tại các điều 89, 91, 94, 95, 96, 102, 103, 106, 107 dự thảo luật) theo hướng: rà soát đối tượng công trình được miễn GPXD cho phù hợp; mở rộng đối tượng công trình được cấp GPXD theo giai đoạn; đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ cấp GPXD. Đồng thời tăng cường phân cấp thẩm quyền cấp GPXD công trình cấp đặc biệt của Bộ Xây dựng cho UBND cấp tỉnh; rút ngắn thời gian cấp GPXD; bổ sung quy định về quản lý trật tự xây dựng; sửa đổi, bổ sung điều kiện khởi công xây dựng công trình; thống nhất quy định về cấp GPXD công trình quảng cáo.
Cụ thể, tại Điều 89 dự luật quy định về tám trường hợp không cần GPXD, trong đó có các trường hợp như: Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính; nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới bảy tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt; công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Ảnh: TP
Cần nghiên cứu, có lộ trình
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCN&MT) Phan Xuân Dũng cho hay hiện nay quy trình cấp GPXD vẫn còn nhiều thủ tục hành chính, thời gian cấp giấy phép còn dài. Bên cạnh đó còn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép, không đúng giấy phép, được cấp GPXD nhưng chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường hay chứng nhận thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, việc thực hiện quyết định phạt vi phạm hành chính nhiều nơi còn chưa quyết liệt, triệt để.
“Vì vậy, UBKHCN&MT tán thành với dự thảo luật này. Cần quy định việc miễn GPXD đối với các công trình đã được thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở. Theo dự luật, quy trình cấp giấy phép đã đơn giản hơn, bỏ bớt các công đoạn không cần thiết. Bên cạnh đó, đề nghị quy định rõ trường hợp dự án, công trình được miễn GPXD để tránh bị lạm dụng, buông lỏng quản lý. Đồng thời rà soát, bổ sung quy định xử lý vi phạm trật tự xây dựng và thực hiện nghiêm kỷ cương trong quá trình tổ chức triển khai” - ông Dũng nói.
Liên quan đến quy định về công trình xây dựng ở nông thôn, chủ nhiệm UBKHCN&MT cho hay theo quy định của pháp luật hiện hành, nhà ở riêng lẻ, công trình xây dựng ở địa bàn chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị được phê duyệt thuộc đối tượng miễn cấp GPXD. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư xây dựng của người dân, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của từng địa phương. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư xây dựng ở nông thôn, đặc biệt là khu vực giáp ranh nông thôn, đô thị; khu vực có định hướng phát triển đô thị, khu vực danh lam thắng cảnh cần được bảo tồn…
“Vì vậy, UBKHCN&MT đề nghị cần nghiên cứu, có lộ trình quy định chặt chẽ hơn đối với việc cấp GPXD cho từng loại, từng cấp công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn sao cho phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển của đất nước” - ông Dũng nói.
Cần kiểm soát các yếu tố về an toàn, môi trường Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, dự luật lần này quy định thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng, không yêu cầu cấp GPXD đối với công trình sử dụng vốn khác có quy mô lớn hoặc ảnh hưởng lớn đến an toàn và lợi ích cộng đồng. Theo đó, các công trình được xây dựng tại khu vực không có quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng,… vì thuộc khu vực không yêu cầu lập quy hoạch xây dựng, chỉ yêu cầu lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Do vậy, không có nhiều yếu tố để xem xét tại cơ quan cấp GPXD (Sở Xây dựng, song vẫn cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố về an toàn, môi trường,... “Việc kiểm soát các công trình này thông qua thẩm định thiết kế xây dựng và không yêu cầu cấp GPXD là phù hợp. Đối với các công trình quy mô lớn, có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng còn lại, trước đây thuộc đối tượng phải thẩm định thiết kế xây dựng, nay để giảm thủ tục hành chính không yêu cầu thẩm định thiết kế xây dựng mà được tích hợp tại bước cấp phép xây dựng” - Bộ trưởng Hà nói. |