13/06/2021 10:20 AM
Sự lệch pha về khái niệm "doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài" tại Luật Đất đai 2013 và Luật Đầu tư đang gây ra khó khăn đối với quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể sử dụng đất.

Dự kiến, Luật đất đai 2013 sẽ có 6 điểm được sửa đổi, bổ sung, trong đó xem xét sửa đổi thống nhất về các khái niệm "doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài", "tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài", "cổ phần, phần vốn góp chi phối" giữa Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013.

Quy định hiện hành chưa thống nhất về các khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trước đó, trong báo cáo Chính phủ về các chồng chéo trong Luật, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã chỉ ra các quy định không thống nhất về các khái niệm "doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài", "tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài", "cổ phần, cổ phần vốn góp chi phối" giữa Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 5 Luật Đất đai năm 2013, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm: Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư. Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 thì "tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông".

Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013 phân định quyền sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở cổ phần, phần vốn góp chi phối của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên lại không có quy định thế nào cổ phần, phần vốn góp chi phối.

Trong khi đó Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 không có quy định về "cổ phần, phần vốn góp chi phối" trong doanh nghiệp mà quy định xác định địa vị pháp lý của doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư nước ngoài theo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ (51%).

Như vậy, Luật Đất đai năm 2013 đưa ra quy định "doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài", trong khi đó Luật Đầu tư năm 2014 quy định "tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài"; Luật Đất đai quy định về "cổ phần, phần vốn góp chi phối" còn Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 không có quy định về nội dung này.

Theo VCCI, việc quy định như tại các luật nêu trên có thể tạo ra các cách hiểu khác nhau gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Phương án xử lý đó là sửa đổi Luật Đất đai thống nhất với các quy định về pháp luật đầu tư, doanh nghiệp, đồng thời có chính sách quản lý đất đai phù hợp.

Đồng quan điểm, theo Th.S Phạm Xuân Thắng - Khoa Luật, Học viện An ninh Nhân dân - quy định về "Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài" trong Luật Đất đai năm 2013 có nội hàm khác biệt so với quy định của Luật Đầu tư năm 2014.

Luật Đất đai năm 2013 vẫn sử dụng thuật ngữ "Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài". Điều này không chỉ tạo ra sự thiếu thống nhất giữa pháp luật đất đai và pháp luật đầu tư mà còn gây ra khó khăn đối với quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể sử dụng đất, tác động tiêu cực đến hiệu quả của công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Tổ hợp nghỉ dưỡng casino Crowne Plaza Danang của ông chủ Trung Quốc.

Trên thực tế, vấn đề người nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài thông qua việc đầu tư, sáp nhập sở hữu các lô đất trọng yếu tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, quốc phòng Việt Nam.

Đơn cử như tại Đà Nẵng đã giao đất cho Công ty Thương mại dịch vụ và Du lịch V.N. Holiday còn thiếu dự án đầu tư; quá trình sử dụng Công ty Thương mại dịch vụ và Du lịch V.N. Holiday đã thực hiện việc chuyển nhượng cho doanh nghiệp có vốn đầu nước ngoài không đúng quy định.

Ngoài ra, một số khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh trong quá trình giao đất, cho thuê đất UBND TP Đà Nẵng chưa tranh thủ ý kiến các cơ quan về quốc phòng, an ninh và ngoại giao (các trường hợp này được giao đất, cho thuê đất trước thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành). Trong quá trình sử dụng đất các đối tượng đã thực hiện việc chuyển nhượng vốn đầu tư (trong đó có giá trị quyền sử dụng đất) để thay đổi tỷ lệ góp vốn của các cổ đông trong nước và nước ngoài.

Theo các chuyên gia, Luật Đất đai 2013 sửa đổi cần đồng bộ các từ ngữ, quy định để tránh tạo khoảng trống cho các doanh nghiệp ngoại lách luật sở hữu, sử dụng đất không đúng mục đích.

  • Hà Nội: Hơn 366 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai

    Hà Nội: Hơn 366 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai

    CafeLand - Thường trực HĐND Hà Nội vừa làm việc với các sở, ngành liên quan về thực hiện kết luận giám sát của HĐND TP về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai từ năm 2018 trên địa bàn thành phố. Theo đó, từ năm 2012 đến nay, nhiều dự án vẫn còn chậm tiến độ.

Diệu Hoa (Diễn đàn bất động sản)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.