Tính đến cuối tháng 12-2011, trong cả nước có 283 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, trong đó có 180 KCN đã đi vào hoạt động, còn lại 103 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tổng diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của các KCN đang vận hành là khoảng 30 nghìn ha, trong đó đã cho thuê được 19.300 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 65%.

Nếu tính bình quân, một ha đất công nghiệp có thể cho thuê trong năm 2011, các KCN đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp hai triệu USD; giá trị xuất khẩu 1,27 triệu USD; nộp ngân sách khoảng 1,38 tỷ đồng. Trung bình một ha đất công nghiệp đã cho thuê của KCN tạo việc làm cho 77 lao động trực tiếp. Rõ ràng, so sánh các chỉ tiêu đầu tư, giá trị sản xuất, xuất khẩu, tạo việc làm trên một ha đất của các KCN so với đất nông nghiệp thì có thể thấy rõ hiệu quả và đóng góp nổi bật của KCN.

Tuy nhiên, mặc dù tỷ lệ lấp đầy các KCN tăng đều hằng năm, từ 40% năm 1996 lên 55% năm 2001 và đến năm 2011 là 65% nhưng trong những năm gần đây, tốc độ thu hút vốn đầu tư vào các KCN đang có xu hướng giảm sút, chưa thật sự tương xứng với quy mô và quỹ đất công nghiệp hiện tại của các KCN. Trên địa bàn cả nước, không hiếm KCN sau nhiều năm đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy chưa đến 30% hay tình trạng quy hoạch treo các KCN trong nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên đất đai, trong khi người dân lại thiếu đất canh tác. Ðầu tư tràn lan các KCN bất chấp khả năng thu hút đầu tư thực tế của địa phương càng khiến việc sử dụng đất tại các KCN không phát huy được hiệu quả.

Theo kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2015 và Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được Quốc hội khóa VIII phê duyệt, tổng diện tích đất KCN đến năm 2015 là 130 nghìn ha và đến năm 2020, dự kiến là 200 nghìn ha. Như vậy, có thể thấy, diện tích đất KCN đến năm 2020 là khá lớn và nếu không có những biện pháp khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất KCN này thì quả thật đây là sự lãng phí lớn. Ngày 2-3-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, KCN, cụm công nghiệp. Theo đó, tạm dừng việc bổ sung quy hoạch, thành lập mới các khu kinh tế, KCN trên cả nước cho đến khi có chỉ đạo của Thủ tướng. Ðồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch cũng như hoạt động của các KCN trong cả nước, trên cơ sở đó sẽ đề xuất địa phương kiên quyết rút giấy chứng nhận đầu tư với những KCN đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa hoặc chậm triển khai. Ðây là một trong những biện pháp nhằm khắc phục tình trạng đầu tư ồ ạt các KCN cũng như quy hoạch treo các KCN thời gian qua, gây lãng phí các nguồn lực. Với những KCN đang hoạt động, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất thì cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN. Một trong những nguyên nhân khiến KCN không thu hút được nhiều dự án đầu tư là do kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. Vì thế, cần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KCN theo hướng xây dựng một cách đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với hệ thống tiện ích công cộng phục vụ cho KCN, gắn kết cấu hạ tầng trong hàng rào và ngoài hàng rào KCN, hướng tới hình thành nhiều KCN có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát huy hiệu quả thu hút đầu tư. Chính sách về ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư hạ tầng, dự án sản xuất kinh doanh trong các KCN nhìn chung còn chưa ổn định và hiện đã giảm sút nhiều so với các quy định trước đây cũng như so với các quốc gia trong khu vực cho nên chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư thì mới có thể vừa đẩy mạnh thu hút, vừa nâng cao chất lượng nguồn vốn đầu tư vào các KCN, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một trong những định hướng phát triển các KCN ở nước ta trong thời gian tới là phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, chuyển dịch cơ cấu đầu tư bên trong KCN. Do đó, thu hút đầu tư vào các KCN cần chuyển hướng, thay vì thu hút nhằm lấp đầy KCN, cần tập trung chọn lọc, ưu tiên các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, thâm dụng vốn, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của Việt Nam...

Theo Nhân dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.