09/05/2025 4:30 PM
Công ty Cổ phần Dịch vụ Tài chính F88 vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt trở thành công ty đại chúng, mở đường cho kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCoM ngay trong tháng 7 tới. Đây được xem là bước đi quan trọng trong lộ trình đưa F88 niêm yết chính thức trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào năm 2027 – muộn hơn ba năm so với kế hoạch ban đầu.

Startup Việt F88 rục rịch lên sàn- Ảnh 1.

Startup Việt F88 rục rịch lên sàn

Theo quy định, sau khi được phê duyệt trở thành công ty đại chúng, F88 có 30 ngày để hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM.

Sau khi ghi nhận khoản lỗ 545 tỷ đồng trong năm 2023 – giai đoạn được đánh giá là đầy sóng gió với ngành tài chính tiêu dùng, F88 đã có màn trở lại với lợi nhuận sau thuế đạt 351 tỷ đồng trong năm 2024, mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong quý I/2025, công ty tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tổng giá trị giải ngân đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu đạt 820 tỷ đồng, tăng 21,5%, trong khi lợi nhuận trước thuế tăng đột biến 204,1% lên 132 tỷ đồng.

F88 đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hơn 30% trong năm nay, tiến tới mức tăng trưởng ổn định trên 30% mỗi năm trong vòng 5 năm tới.

Chia sẻ với tờ Bloomberg, ông Phùng Anh Tuấn – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT F88 – cho biết doanh nghiệp đang hướng tới mục tiêu đạt vốn hóa khoảng 1 tỷ USD khi niêm yết trên HOSE vào năm 2027.

Để hiện thực hóa tham vọng này, F88 dự kiến mở rộng mạng lưới lên 888 cửa hàng trong năm 2025, tăng nhẹ so với con số 868 vào cuối năm 2024.

Ông Tuấn cho rằng thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển khi mới chỉ khoảng 20% dân số có khả năng tiếp cận tín dụng chính thức.

F88 cũng đang tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn, với kế hoạch huy động hơn 700 tỷ đồng (khoảng 27 triệu USD) từ phát hành trái phiếu trong năm nay.

Bên cạnh các nhà đầu tư lớn như Mekong Capital, Vietnam Oman Investment và Granite Oak, công ty còn nhận được các khoản vay từ các đối tác quốc tế như Lending Ark Asia và Lendable.

Ngoài ra, F88 cho biết đang trong quá trình đàm phán với một ngân hàng quốc tế để mở rộng nguồn vốn vay, tuy chưa công bố chi tiết.

Tháng trước, FiinRatings – tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước – đã nâng triển vọng tín nhiệm của F88 từ "ổn định" lên "tích cực". Theo FiinRatings, công ty đang sở hữu nền tảng tài chính vững chắc với mức tăng trưởng dư nợ cho vay trong năm 2024 đạt 22,7%, vượt xa mức trung bình 3,84% của ngành tài chính tiêu dùng. Doanh thu từ dịch vụ bảo hiểm của F88 cũng tăng 11,8%, đóng góp 9,5% vào tổng doanh thu.

Giấc mộng kỳ lân liệu có trở thành hiện thực?

Trong bức tranh đổi mới kinh tế số và khởi nghiệp của Việt Nam, cụm từ “kỳ lân công nghệ” – chỉ những startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên – đã không còn xa lạ. Những cái tên như VNG, VNPAY hay Momo đã tạo nên những dấu mốc quan trọng, cho thấy tiềm năng phát triển và khát vọng toàn cầu hóa của giới startup Việt.

Trong đó, VNG là doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ đầu tiên của Việt Nam được định giá vượt 1 tỷ USD, với mô hình phát triển đa dạng từ trò chơi trực tuyến, mạng xã hội (Zalo), thanh toán điện tử đến lưu trữ đám mây. Theo World Startup Report, VNG được định giá hơn 1 tỷ USD từ năm 2014. Đáng chú ý, VNG đang nỗ lực niêm yết tại sàn Nasdaq (Mỹ) thông qua hình thức IPO – một bước đi thể hiện khát vọng toàn cầu.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng định giá “tỷ đô” này đến từ các vòng gọi vốn và các yếu tố kỳ vọng trong thời điểm thị trường công nghệ đang bùng nổ, thay vì dựa trên lợi nhuận ròng hoặc quy mô thị phần thực tế toàn cầu.

Ứng dụng ví điện tử MoMo do công ty M_Service phát triển đã chính thức trở thành kỳ lân vào cuối năm 2021 sau vòng gọi vốn Series E trị giá 200 triệu USD, do các quỹ Warburg Pincus, Goodwater Capital và Affirma Capital dẫn dắt. MoMo là ví điện tử phổ biến hàng đầu Việt Nam, với hơn 30 triệu người dùng tính đến 2024.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường fintech và ngân hàng số, MoMo hiện vẫn đang ưu tiên tăng trưởng quy mô hơn là lợi nhuận, khiến bài toán duy trì định giá tỷ đô vẫn còn nhiều thử thách.

Khác với MoMo, VNPAY hoạt động tập trung vào cung cấp hạ tầng thanh toán qua mã QR, cổng thanh toán điện tử và dịch vụ ngân hàng số cho các ngân hàng và doanh nghiệp. VNPAY trở thành kỳ lân sau vòng gọi vốn 300 triệu USD từ SoftBank và GIC vào năm 2019, nâng định giá lên hơn 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, VNPAY khá kín tiếng về các hoạt động tài chính và chiến lược mở rộng. Các số liệu định giá vẫn dựa trên mô hình đầu tư tư nhân, thiếu cơ sở đánh giá công khai như niêm yết trên sàn chứng khoán.

Việt Nam đã ghi nhận vài kỳ lân tỷ đô đầu tiên, nhưng số lượng còn hạn chế và mang tính giai đoạn. Thách thức lớn nhất không nằm ở việc tạo ra kỳ lân, mà ở chỗ duy trì tăng trưởng thực chất, chuyển từ “định giá kỳ vọng” sang “giá trị thực tế”. Trong hành trình phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bài toán nâng cao năng lực doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và kết nối toàn cầu sẽ quyết định liệu Việt Nam có thể thật sự bước vào “kỷ nguyên kỳ lân” hay không.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.