06/07/2018 8:51 AM
CafeLand - Sau khi phân tích lại các số liệu trong Báo cáo tình hình Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng cần xem lại chất lượng số liệu trong bản báo cáo này.

Những con số thiếu logic

Sau con số tăng trưởng ấn tượng quý 1-2018 là 7,45%, mức cao nhất trong 10 trở lại đây, thì tăng trưởng quý 2 lại chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt. Cụ thể, tăng trưởng quý 2-2018 giảm xuống còn 6,79%. Sự giảm tốc nhanh này có thể coi là bất thường nếu so với tăng trưởng của các năm trước.

SSI ước tính tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 6,95%

Theo phân tích của SSI, nguyên nhân làm chậm tăng trưởng GDP là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, từ chỗ tăng 13,56% trong quý 1 đã giảm xuống còn 13,02% sau 6 tháng. Công nghiệp điện tử thể hiện rõ xu hướng chậm dần đều, với mức tăng của chỉ số công nghiệp điện tử là 17,5%, chưa bằng một nửa so với mức đỉnh hồi tháng 2 là 38,3%.

Tuy nhiên, nêu lưu ý tới chi tiết số liệu, tới chất lượng từng con số. Có thể thấy sự thiếu nhất quán, thiếu logic trong con số của kỳ này so với cùng kỳ các năm trước đó.

Cụ thể, thông thường Chỉ số công nghiệp chế biến chế tạo và tăng trưởng GDP ngành công nghiệp chế biến chế tạo xấp xỉ nhau như quý 2 các năm 2015-2017. Nhưng vào quý 2 năm nay, hai chỉ số này lại chênh nhau tới 0,3%. Nếu GDP công nghiệp chế biến chế tạo được điều chỉnh giảm bằng Chỉ số công nghiệp là 12,7%, tăng trưởng GDP chung 6 tháng sẽ phải giảm 0,06%, SSI phân tích.

Tiếp theo, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP và bán buôn bán lẻ là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lĩnh vực dịch vụ. Vào quý 3-2017 khi tăng trưởng GDP cần một điểm tựa, tăng trưởng của bán buôn bán lẻ đã có bước tăng “thần tốc” và dường như điều này lại lặp lại trong quý 2 năm nay.

GDP bán buôn bán lẻ 6 tháng tăng mạnh 8,21% so với mức tăng 7,45% trong quý 1. Điều này trái ngược với sự giảm tốc của Chỉ số bán lẻ 6 tháng, 8,3% so với 8,6%. Một điểm khó hiểu khác là vào 6 tháng cùng kỳ 2017, khi Chỉ số bán lẻ tăng 8,4% thì GDP bán buôn bán lẻ cũng chỉ tăng 7,1%, thấp hơn nhiều mức tăng 8,21% của 6 tháng năm nay.

Về Chỉ số lao động ngành công nghiệp 6 tháng đã giảm xuống 3.1%, mức thấp nhất 13 tháng và tăng trưởng khách quốc tế cũng đang ở mức thấp nhất nhiều tháng nên các động lực hỗ trợ cho tiêu dùng không thể nói là tích cực để làm cơ sở cho tăng trưởng cao của GDP bán buôn bán lẻ.

Dựa vào những phân tích trên, SSI cho rằng “chất lượng số liệu một lần nữa lại là vấn đề trong Báo cáo kinh tế vĩ mô của Tổng cục Thống kê”. Nếu điều chỉnh giảm tăng trưởng GDP bán buôn bán lẻ từ 8,21% xuống về bằng với quý 1 là 7,45% thì tăng trưởng GDP chung của 6 tháng sẽ giảm thêm 0,07%.

Và nếu kết hợp 2 điều chỉnh cho GDP công nghiệp chế biến chế tạo và GDP bán buôn bán lẻ, tăng trưởng GDP 6 tháng có thể giảm 0,13% xuống còn 6,95%, SSI nhận định.

Bất động sản tăng 4,21%?

Số liệu kinh tế chính 6 tháng đầu năm 2018 (Nguồn: TCTK)

Phân tích thêm về một số điểm thiếu hợp lý trong Báo cáo của Tổng cục Thống kê, SSI cho rằng kinh doanh bất động sản, ngành đứng thứ 2 trong lĩnh vực dịch vụ, sau bán buôn bán lẻ đạt tăng trưởng 4,21%, mức cao nhất trong 6 năm. Đây là một bất ngờ lớn nhưng cũng rất khó hiểu bởi thị trường bất động sản trong năm 2018 không thể ấm hơn 2017.

Cụ thể, theo CBRE, số lượng căn hộ chào bán mới tại TP.HCM trong quý 2 là 6.109 căn, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước; số căn hộ giao dịch thành công là 6.947 căn, giảm 25% so với quý trước và 29% so với cùng kỳ năm trước.

Số lượng căn hộ giao dịch thành công quý 2 đang ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm do quy định siết tín dụng với bất động sản và dư âm của vụ cháy chung cư hồi tháng 3. Thị trường bất động sản trong quý 2 chỉ ghi nhận cơn sốt đất ngắn ở vùng ven và các khu vực dự kiến hình thành đặc khu. Tuy vậy, nếu tính cơn sốt đất này vào GDP, độ tin cậy của số liệu sẽ không cao.

Nhận định chung về tình hình kinh tế quý 2-2018, SSI bày tỏ quan ngại về tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm 2018 với lý do chính là công nghiệp điện tử giảm tốc, kéo theo không chỉ tăng trưởng của ngành công nghiệp nói chung mà cả lĩnh vực dịch vụ do mối liên hệ giữa tăng trưởng lao động công nghiệp với sức cầu tiêu dùng. Những yếu tố khác cũng cần phải lưu ý đó là ngành khai khoáng tăng trưởng âm và xuất khẩu một số mặt hàng sang thị trường Trung Quốc đang chậm lại.

Trong bối cảnh này, sự vươn lên của sắt thép, dệt may và dược là tín hiệu đáng mừng. Đây không chỉ là thành quả của riêng doanh nghiệp mà còn là kết quả của những thay đổi chính sách trong nước cũng như từ nước ngoài.

Sự vươn lên của khối doanh nghiệp trong nước trong thời gian gần đây đang hứa hẹn một sự thay đổi lớn trong cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào khối FDI. Dẫu vậy, nếu các doanh nghiệp tư nhân của Việt có thành công thì thời gian cũng khó kịp để bù đắp cho sự giảm sút vào nửa cuối năm 2018, SSI nhấn mạnh.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.