23/12/2016 8:51 AM
Trong cơn sốt hôm nay, đại gia Huy (Đà Nẵng) nhớ lại thời đỉnh điểm cơn sốt 2009 - 2011, ông mua miếng đất 7 tỷ và chỉ sau 1 tháng lô đất của ông được trả giá trên 17 tỷ đồng. Nhưng ông không bán để rồi 'khóc ròng' vì ôm lấy cục nợ đến tận hơn 5 năm sau. Đó là bài học đầy cay đắng không bao giờ quên.
Thị trường nhà đất Đà Nẵng đang lên cơn sốt nóng nhưng đã có cảnh báo về hậu quả của một “cơn say” nhà đất, vốn đã lấy đi nhiều nước mắt và cả xương máu của đại gia ôm đất Đà Nẵng. Bài học qua mỗi tháng lãi chục tỷ trên giấy, buôn vài miếng đất lên đời đại gia nhưng rồi phải khóc ròng vì vỡ nợ khi thị trường sụt giảm, đổ vỡ.
Nhà đầu tư và bài học đầy nước mắt
Gần 10 năm trước, thị trường nhà đất Đà Nẵng từng nhiều lần lên “cơn co giật”. Cơn sốt ảo khiến nhiều đại gia bất động sản ngậm đắng nuốt cay. Có người không chịu nổi đã tìm đến cái chết để thoát nỗi ám ảnh giá đất trượt dài, áp lực nợ ngân hàng đè nặng.
Nhiều đại gia ôm đất Đà Nẵng tán gia bại sản, phải bỏ của chạy lấy người. Từ đó đến nay, hàng loạt dự án đất vàng trung tâm và ven biển án binh bất động, trở thành những khu nhà ma dọc ven biển.
Một trong những dự án căn hộ ven biển bỏ hoang sau cơn sốt đất hơn 5 năm trước.
Dự án nghỉ dưỡng và căn hộ cao cấp ven biển Đà Nẵng bỏ hoang do chủ đầu tư bỏ của chạy lấy người
Khi cơn sốt nhà đất vừa lắng xuống thì giờ đây, “cơn say” đất nền ven biển lại bùng phát.
Bài học đầy nước mắt của đại gia Nguyễn Xuân Huy. cho thấy, với nhà đất Đà Nẵng cần phải tỉnh táo, nếu không rất dễ nhận quả đắng.
Ông Huy. kể, những năm đất Đà Nẵng sốt giá, giai đoạn 2009-2011, thấy đất tăng vùn vụt, ông dốc hết tiền và vay thêm ngân hàng mua lô đất ven biển rộng 500 m2 tại quận Ngũ Hành Sơn với giá 7 tỷ đồng.
Trong cơn sốt, nhiều nhà đầu tư Hà Nội, Sài Gòn liên tục đề nghị ông sang nhượng lại lô đất. Thời đỉnh điểm, chỉ sau 1 tháng lô đất của ông được trả giá trên 17 tỷ đồng, nhưng ông không bán vì nghĩ giá sẽ còn lên cao.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, giá đất bắt đầu hạ nhiệt. Giá bất động sản tụt dốc không phanh, giảm tới 30%, thậm chí một số dự án giảm đến 50%. Nhà đầu tư Hà Nội, Sài Gòn tháo chạy khỏi Đà Nẵng, thị trường nhà đất bắt đầu đóng băng vào năm 2012.
Ông Huy lắc đầu bảo “người tính không bằng trời tính”. Lô đất của ông ngày nào giá hơn 17 tỷ giờ bán chẳng ai mua. “Không chịu nổi với áp lực trả nợ ngân hàng, và không biết lúc nào giá đất phục hồi nên tôi quyết định bán 7 tỷ đồng. Trận đó, tôi lỗ nặng vì lãi suất ngân hàng quá cao, mỗi tháng gần 50 triệu đồng. May mà cắt được lỗ.
Còn ông Nguyễn Hữu Danh., một đại gia tại Tam Kỳ, mua một lúc 10 lô cạnh khu resort Furama. Khi thấy đất tăng gấp đôi ông sang nhượng ngay, bỏ túi hơn 20 tỷ đồng. Sau này gặp lại người mua 10 lô đất đó, họ méo mặt bảo không bán nổi, ôm một cục nợ ngân hàng đến nay chưa trả được.
Lời cảnh báo về “cơn say” đất mới
Nhiều người bảo nhà đất ven biển Đà Nẵng giống như men rượu bia khiến nhiều người say ngất ngây giữa cơn sốt đất đang lên giữa những ngày này.
Ông Lê Trung Dũng, một đại gia nhà đất Đà Nẵng, cho hay ông luôn tỉnh táo và nghe theo lời cảnh báo của các chuyên gia kinh tế nên rất thận trọng.
Khu đất nền phân lô ven biển Đà Nẵng trên đường Võ Nguyên Giáp đang sốt nóng, với giá tăng chóng mặt
Ông Dũng cho hay, nếu chịu khó phân tích cơ cấu khách hàng của thị trường nhà đất Đà Nẵng dễ nhận thấy sự tăng trưởng chủ yếu là khách hàng đến từ Hà Nội và Sài Gòn. Chính họ là nhà đầu cơ vì có nhiều tiền, đến khi họ không có nhu cầu mua thêm thì thị trường sẽ tụt giá, nếu không muốn nói là đóng băng.
Còn ông Đỗ Minh Dương - một chuyên gia bất động sản - cảnh báo, cần xác định rõ đối tượng khách hàng trước khi bắt tay thực hiện dự án.
Để thị trường nhà đất Đà Nẵng phát triển bền vững, theo ông Dương, các chủ đầu tư cần tính toán giá bán phù hợp với túi tiền của người dân địa phương và các đối tượng muốn định cư ở Đà Nẵng. Nếu trông chờ vào khách hàng Hà Nội, Sài Gòn thì khó phát triển bền vững được.
“Đấy chủ yếu là nhà đầu tư mua đi bán lại. Nếu chấp nhận sự có mặt của họ, giá nhà đất sẽ từ từ nâng lên. Nhưng, hậu quả là dự án sẽ đứng lại sau khi bán được khoảng 40% và sau đó, thị trường đóng băng”, ông Dương nói.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản Đà Nẵng được coi là tiềm năng bởi hội tụ đủ yếu tố: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Thành, Tổng giám đốc công ty Đất Xanh miền Trung, cho rằng: “Để có thể thu hút khách hàng, phát triển bền vững, các chủ đầu tư cần phải nói thật, làm thật và linh hoạt trong quá trình triển khai dự án, nhất là về giá”.
Các nhà đầu tư hãy từ bỏ việc bán những dự án trên giấy, động thổ hoành tráng rồi để đó. Cần đẩy mạnh tiến độ thực hiện theo đúng cam kết và nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục, như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất (sổ đỏ và sổ hồng) để người mua an tâm hơn về tình trạng pháp lý tài sản họ mua” - ông Thành nhấn mạnh.
Vũ Trung (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.