Tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất đang đẩy nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng vào thế khó khăn, buộc họ phải tính hướng đầu tư vào các địa phương khác như Quảng Nam, Quảng Ngãi. Thực trạng này có liên quan thế nào đến diễn biến khai thác quỹ đất tại Đà Nẵng?

Nhiều người cho rằng, sau hơn 20 năm vận động chỉnh trang đô thị, giờ đây Đà Nẵng chẳng còn quỹ đất nào cho việc đầu tư sản xuất kinh doanh.

Thiếu đất, hay thiếu thái độ?

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất chế biến kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế, cho biết mấy năm qua, đơn vị ông đã liên tục kiến nghị đến các cơ quan chức năng, đề nghị được xem xét bố trí đất cho xưởng sản xuất. Xưởng này đang nằm trong khu dân cư, rất bất tiện và diện tích cũng quá nhỏ. Nhu cầu của doanh nghiệp cũng chỉ cần hơn 4.000 m2, nhưng mãi đến nay vẫn không có gì thay đổi.

Đà Nẵng đang ưu tiên bố trí quy hoạch đất đô thị hơn là đất sản xuất?

Trên thực tế, Hương Quế cũng chỉ là một trong hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đà Nẵng đang vất vả vì không có đất bố trí sản xuất. Theo chủ trương chung, Đà Nẵng yêu cầu các doanh nghiệp phải đi vào các khu công nghiệp và họ sẽ được ưu tiên xem xét bố trí mặt bằng sản xuất. Nhưng tại các khu công nghiệp thuộc địa bàn Đà Nẵng, điều kiện cho thuê đất không hề dễ dàng, chí ít yêu cầu từ vài ngàn mét vuông đến vài hecta, không hề phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Điều quan trọng là các cấp quản lý thấy tiêu chuẩn như vậy là không phù hợp, vì doanh nghiệp chúng tôi chỉ cần vài ngàn m2 là nhiều rồi, đa số còn cần dưới 1.000 m2. Nhưng các khu công nghiệp đều không đổi tiêu chuẩn. Chúng tôi phải chờ các cụm công nghiệp nhỏ, theo chủ trương của thành phố, sẽ triển khai nhanh, nhưng mãi đã mấy năm, chả thấy gì”. Anh Phạm H.T, chủ một xưởng sản xuất vật liệu xây dựng tại Hòa Khánh (Liên Chiểu) bộc bạch như vậy.

Ông Xuân Sơn cho rằng không thể nói Đà Nẵng thiếu đất. Ngay tại Liên Chiểu, 2 năm qua, chính quyền đã có quyết định quy hoạch một cụm công nghiệp sản xuất nhỏ tại khu kho tàng đèo Đại Lai (Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu). Khu vực này có thể bố trí cả trăm doanh nghiệp vào. Song cho đến nay, đây vẫn là một vùng bỏ hoang, hạ tầng không có gì cả.

Một phần diện tích đất KCN Liên Chiểu (Hòa Khánh mở rộng) đã biến thành đất đô thị chưa lô

Một số doanh nghiệp bức xúc, cho biết không ít đất đã được bố trí dành cho sản xuất ở các khu công nghiệp đang bị chuyển đổi thành đất ở đô thị, bố trí các khu dân cư mới, chia lô bán nền. Cụ thể, tại khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, giáp khu công nghiệp Liên Chiểu, đã có một khu đô thị như vậy được triển khai do Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng đầu tư. Mặt bằng quỹ đất dành cho sản xuất của Đà Nẵng, theo những dự án này, rõ ràng ngày càng ít đi!

Cần một chiến lược dài lâu

Ông Bùi Hồng Hải, Giám đốc công ty TNHH Hiếu Nam (Sơn Trà, Đà Nẵng), cho biết gần 10 năm qua, đơn vị ông phải đi thuê lại mặt bằng sản xuất của một công ty trong khu công nghiệp Hòa Khánh vì nhu cầu chỉ cần một diện tích nhỏ. Đang có cả trăm doanh nghiệp ở khu công nghiệp này tính như đơn vị ông. Đây là cách duy nhất các doanh nghiệp có thể làm để cầm cự chờ được địa phương chấp nhận bố trí mặt bằng phù hợp.

Song theo ông Hải, cho đến nay chẳng còn hy vọng gì nữa. Ông đang cùng nhiều đơn vị liên hệ chuyển xưởng sản xuất vào Quảng Nam. “Theo tôi biết, khu công nghiệp Trảng Nhật (Điện Bàn, Quảng Nam) có thể bố trí cho các doanh nghiệp tùy chọn diện tích mặt bằng đúng nhu cầu, từ vài ngàn m2 đến vài hecta. Như thế, chúng tôi mới có thể an tâm làm ăn”. Ông Hải cho biết.

Một doanh nghiệp hàng thủ công mỹ nghệ tại KCN Hòa Cầm (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) tâm tư: “Phải chăng đất Đà Nẵng giờ chỉ dành cho đầu tư trục lợi cơ hội bất động sản? Bởi ai cũng thấy, mọi cuốn sổ đỏ ở Đà Nẵng đều có xu hướng “cắm ngân hàng”, quy hoạch thành phố đụng chỗ nào cũng thấy giá đất chỗ đó lên vùn vụt. Chúng tôi muốn mua một lô đất làm xưởng, cũng bị hiểu là tìm cơ hội đầu cơ đất, bán lại kiếm lời. Sự thật thì chúng tôi đang cần đất để làm ăn, mở xưởng. Nếu Đà Nẵng cứ nhìn doanh nghiệp sản xuất bằng con mắt giá đất thổi trên mây, thì chúng tôi sẽ đi hết”.

Năm 2018, Đà Nẵng đã đặt chủ đề vận động là năm thu hút đầu tư. Dự kiến với năm mới 2019, địa phương tiếp tục chọn chủ đề này. Nhưng những gì đang diễn ra ở khía cạnh mặt bằng sản xuất cùng những điều kiện tương tác hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất, lại cho thấy một nguy cơ ngược lại.

Phải chăng Đà Nẵng cần nhìn nhận lại công tác quy hoạch và định hướng đầu tư của mình, để điều chuyển lại thái độ ứng xử với doanh nghiệp sản xuất và có một chiến lược dài hơi hơn về quy hoạch đất công nghiệp?

Theo ông Hải, “Thành phố thật ra không cần tìm thêm nhà đầu tư mới, mà chỉ mong giữ được những nhà đầu tư hiện hữu, đã là tốt lắm rồi!

Nhạc Duy Hạ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.