Nhiều nhà đầu cơ "đi trước đón đầu" khi Nhà nước đầu tư mạnh vào Phú Quốc, gây ra hiện tượng sốt đất ảo và mua bán, chuyển nhượng bất động sản diễn biến phức tạp.
Trước tình hình sốt đất ở Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức buổi tọa đàm về thị trường bất động sản. Bài tham luận của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang Nguyễn Xuân Lộc đã phần nào "phơi bày sự thật" về câu chuyện sốt giá đất tại đảo ngọc.
"Đi trước đón đầu"
The ông Lộc, sự phát triển kinh tế đã góp phần làm cho thị trường quyền sử dụng đất ở Kiên Giang diễn ra sôi động, nhất là Phú Quốc.
Thị trường quyền sử dụng đất ở đảo ngọc được nhiều người quan tâm là tín hiệu đáng mừng nhưng do tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo nhiều bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Từ đó, hoạt động chuyển quyền sử dụng đất chưa được kiểm soát chặt chẽ khiến thị trường bất động sản thiếu minh bạch, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước,
Một áp phích rao bán đất đầu tư với giá 40 tỷ đồng/ha ở Phú Quốc. Ảnh: Việt Tường.
Từ khi Nhà nước có sự quan tâm đầu tư mạnh vào huyện đảo Phú Quốc thì các nhà đầu tư, đầu cơ với mục tiêu "đi trước đón đầu" để kiếm lời, dẫn đến hiện tượng sốt đất ảo. Từ đó, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất đai tại Phú Quốc đã diễn biến rất phức tạp. Tỉnh Kiên Giang đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nghiêm cấm lấn chiếm đất rừng, khuyến cáo người dân về các giao dịch đất đai bất hợp pháp.
Bất chấp khuyến cáo của nhà chức trách, tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, san gạt, lấn chiếm đất rừng vẫn đang diễn ra. Các giao dịch về quyền sử dụng đất kể cả chính thức hoặc không chính thức ngày một tăng cao.
Thống kê diễn biến chuyển quyền sử dụng đất cho thấy Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai và các tổ chức công chứng ở Phú Quốc đã bị quá tải với lượng giao dịch bất động sản tăng cao. Năm 2017, có 7.690 hồ sơ giao dịch chuyển nhượng đất với tổng diện tích trên 634 ha. Riêng 3 tháng đầu năm 2018, Phú Quốc có 4.578 hồ sơ giao dịch bất động sản (diện tích trên 361 ha), tăng hơn 200% so với cùng kỳ. Người nhận chuyển nhượng đất đa phần có hộ khẩu từ Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn khác.
Một dự án bị người dân rào đường xuống biển ở xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc. Ảnh: Việt Tường.
Không chỉ vậy, việc nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua hình thức ủy quyền; mua, bán đất trái quy định pháp luật tại Phú Quốc còn diễn ra đối với đất rừng, đất chưa được cấp giấy chứng nhận, đất không rõ nguồn gốc... thông qua giấy tay, tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm cho người mua. Một số hộ dân nhận giao khoán đất rừng đã âm thầm chuyển nhượng đất dưới hình thức giao sổ nhận khoán bất hợp pháp, làm cho thị trường quyền sử dụng đất rơi vào tình trạng khó kiểm soát.
Ba nguyên nhân gây sốt giá đất ở đảo ngọc
Theo chuyên gia bất động sản, một trong những nguyên nhân gây sốt giá đất ở Phú Quốc thời gian qua là thông tin giả. Đó là dự đoán về định hướng phát triển đảo Phú Quốc trong tương lai. Nhiều người đưa ra thông tin không có thật về điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp sang thương mại dịch vụ tại một khu vực nào đó đã đẩy giá đất nông nghiệp lên cao.
Thông tin giả về việc mua đất ở đảo ngọc bán lại có lãi ngay đã tạo cơn sốt khan hiếm đất. Từ đó, "cò" đất lợi dụng đẩy giá lên cao tại các khu vực đã được thông tin sai sự thật về việc điều chỉnh quy hoạch.
Người dân xã Cửa Dương phản ứng nhà đầu tư làm hàng rào bao quanh khu đất có dự án 205 ha, ngăn đường của người dân đi xuống biển. Ảnh: Việt Tường.
Nguyên nhân thứ hai gây sốt giá đất là việc thông tin tuyên truyền, công khai quy hoạch, công bố dự án có thu hồi đất đến người dân nhiều lúc không được đầy đủ, kịp thời. Từ đó, người dân đi mua đất hoặc nhà đầu cơ thiếu thông tin chính thức, tiếp nhận thông tin giả.
Điều thứ ba gây sốt giá đất là công tác thanh tra, kiểm tra đất đai, xây dựng chưa được thường xuyên; các vi phạm về đất đai chưa được xử lý nghiêm và kịp thời.
Hậu quả của việc sốt đất ảo, người dân thiếu thông tin về quy hoạch như đã vừa nêu đã gây nhiều rủi ro, khó khăn cho nhà đầu tư và công tác quản lý đất đai ở đảo ngọc. Nhiều giao dịch bất động sản thời gian qua chỉ là viết giấy tay, hoặc những khu vực vốn là đất rừng, đất nông nghiệp, sẽ để lại hệ lụy lâu dài, phát sinh tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất phức tạp hơn.
Nhà chức trách kiểm tra đường xuống biển khi nhiều người dân cho rằng quyền lợi của họ bị ảnh hưởng vì chủ đầu tư làm hàng rào chặn đường xuống biển. Ảnh: Việt Tường.
Giá đất tăng cao không chỉ làm chi phí đền bù tăng mà còn xảy ra tình trạng mua bán lòng vòng, không rõ ràng, khiến công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, phát sinh khiếu nại. Từ đó, việc triển khai các dự án đầu tư cũng gặp khó khăn, làm giảm sức hấp dẫn của Phú Quốc đối với nhà đầu tư.
Việt Tường (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.