Bờ sông Sài Gòn đang bị phân chia bởi nhiều dự án bất động sản
Chúng tôi có được vào đó không?
Đứng bên bờ sông Sài Gòn, ông Vinh (ngụ quận 2) đang ngắm nhìn một dự án bất động sản khổng lồ mọc lên, dự án kéo dài gần km mặt tiền bờ sông. Bên cạnh hàng chục khối chung cư cao tầng, bên trong dự án là một công viên ven sông rất đẹp.
Ông Vinh thắc mắc: “Không biết khi dự án hoàn thành thì những người dân bình thường như chúng tôi có được vào đó không. Khu công viên rất đẹp nhưng muốn vào vui chơi có bị thu phí? Công viên này là của chung hay chỉ dành cho những cư dân sinh sống bên trong dự án?”.
Theo ông Vinh, bờ sông nên dành cho sinh hoạt, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao của mọi người dân, khách du lịch trong và ngoài nước đến thành phố.
“Liệu có tình trạng những khúc sông này sau khi dự án hoàn thành sẽ cấm cửa không cho người dân bên ngoài vào như đã từng xảy ra ở một số resort ven biển”, ông Vinh đặt câu hỏi.
Theo Tổng giám đốc một công ty địa ốc, xu hướng mua nhà ven sông nở rộ là một trong những nguyên nhân chính khiến hàng loạt dự án bất động sản đua nhau mọc lên ven các con sông, kênh rạch.
Khách hàng rất chuộng mua nhà với tiêu chí “Nhất cận thị, nhị cận giang”, nhà ở ven sông sở hữu view đẹp, không khí trong lành, công viên bờ sông thoáng đãng. Sông Sài Gòn là con sống lớn, nhiều đoạn có vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố nên quỹ đất ven sông lại các được các nhà đầu tư thèm khát.
Theo chuyên gia này, cuộc chiến săn đất ven các con sông, kênh rạch sắp tới sẽ diễn ra rất quyết liệt giữa các doanh nghiệp địa ốc bởi quỹ đất này ngày một khan hiếm.
Khảo sát thực tế, chỉ một quãng ngắn của Sông Sài Gòn đoạn từ Thanh Đa đến bến Nhà Rồng hiện đang là nơi cát cứ của hơn chục dự án bất động sản đình đám. Có thể kể đến như: Elite Park (18.000m2), Thảo Điền Saphire (hơn 27.000m2), Saigon Pearl (hơn 25ha), Sunwah Pearl (hơn 19ha), Đảo Kim Cương (8ha), biệt thự Lan Anh (4ha), Khu đô thị Sala (257ha), Khu phức hợp Nhà rồng – Khánh Hội (hơn 31ha), cùng hàng loạt dự án đang chực chờ mọc lên bên trong khu đô thị Thủ Thiêm…
Trong một cuộc họp mới đây, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã chia sẻ thẳng thắn về tình trạng sông Sài Gòn đang bị lấn chiếm, thậm chí phân lô có sự chi phối của lợi ích nhóm.
Ông Nghĩa cho rằng, nhiều sông rạch ở Sài Gòn đang được khu biệt cho tư nhân khai thác sử dụng thay vì làm không gian công cộng, phục vụ cộng đồng chung như nhiều nước trên thế giới.
“Tôi thấy bờ sông Sài Gòn ở TP.HCM dường như là của một số người giàu, người có tiền chứ không phải không gian công cộng, là mảng xanh, công viên phục vụ cho hơn 10 triệu người dân thành phố đến vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi”, ông Nghĩa nói.
“Xẻ thịt” sông rạch
Được giao quỹ đất ven sông phát triển dự án nhưng vì nhiều lợi ích, trong quá trình xây dựng không ít chủ đầu tư cố tình “xẻ thịt” dòng sông gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vụ việc tại dự án Thảo Điền Sapphire (145 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2) do Công ty Cổ phần TDS làm chủ đầu tư là một ví dụ điển hình.
Thảo Điền Sapphire là quần thể gồm hàng chục biệt thự ven sông Sài Gòn có giá hàng trăm tỷ mỗi căn.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư có một loạt sai phạm như xây tăng diện tích tầng trệt, vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa với tổng diện tích vi phạm 1.396,64 m2…
UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 tỷ đồng đối với Công ty CP TDS, buộc tháo dỡ phần vi phạm xây dựng của dự án Thảo Điền Sapphire.
Thế nhưng chủ đầu tư dự án vẫn cố tìm mọi cách để “chạy tội” cho dự án. Thậm chí, Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng có văn bản xin cứu xét cho dự án này. Tuy nhiên, UBND thành phố bác bỏ đơn cứu xét, buộc Thảo Điền Saphire phải tháo dỡ nếu không thực hiện sẽ tiến hành cưỡng chế.
Không chỉ những con sông lớn, nhiều đoạn kênh rạch trên địa bàn thành phố cũng bị “bức tử” bởi các dự án bất động sản.
Dự án Riviera Point từng lùm xùm liên quan đến vi phạm lấn rạch Cả Cấm trước mặt dự án
Dự án Riviera Point (quận 7) do Keppel Land làm chủ đầu tư trước đây cũng từng bị “tố” lấn rạch Cả Cấm phía trước mặt dự án. Khu dự án này có quy mô 9ha, được xây dựng với 12 block cao 40 tầng, cung cấp 2.099 căn hộ nằm giữa khu dân cư và rạch Cả Cấm.
Theo phản ánh của người dân, trước đây, khu dân cư phía trong khu đất của dự án được nối với rạch Cả Cấm bằng 6 rạch nhánh. Để triển khai dự án, chủ đầu tư đã lấp tổng cộng 5 đoạn rạch thoát nước cho các khu vực dân cư xung quanh với diện tích gần 4.700m2. Rạch Cả Cấm đoạn đi ngang qua dự án cũng bị lấp khoảng 3000m2 với tổng chiều dài 475m được thi công làm đường dẫn vào dự án, trồng cây xanh.
Có một đặc điểm là, phần lớn sai phạm lấn sông, rạch tại các dự án đều bị phát hiện khi mà chủ đầu tư đã xây dựng, thậm chí là gần hoàn thiện dự án. Do đó, việc xử phạt và cưỡng chế vô cùng khó khăn, kéo dài do chủ đầu tư tìm mọi cách để cứu công trình.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng quan điểm của pháp luật là nghiêm minh, sai đến đâu sẽ phải xử phạt tới đó. Trong một số trường hợp có thể xem xét là do công trình đó sai phạm không quá lớn, không gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình, và gây ảnh hưởng đến cảnh quan xum quanh.
Tuy nhiên, với những sai phạm lấn chiếm sông rạch là rất nghiêm trọng cần xử nghiêm. Vì công trình lấn sông, rạch gây ảnh hưởng tới lưu lượng dòng chảy, thoát nước của cả khu vực dân cư sinh sống quanh đó.
Mặt khác, bờ sông Sài Gòn rất đẹp và cực kỳ hấp dẫn với các dự án bất động sản. Do đó, nếu xử lý không nghiêm sẽ tạo ra những tiền lệ xấu, là cớ để cho các chủ đầu tư khác khác vịn vào nếu sau này có xảy ra sai phạm.
Nhằm ngăn chặn tình trạng xâm phạm sông rạch, đầu tháng 9/2017 UBND TP.HCM đã chỉ đạo UBND các quận, huyện xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm sông, kênh, rạch, hệ thống thoát nước trên địa bàn. Nghiêm cấm mọi trường hợp san lấp kênh, rạch phục vụ thoát nước.
-
Giá đất bờ sông Sài Gòn cao nhất hơn 700 triệu đồng một m2
Bờ sông Sài Gòn đang là vấn đề được quan tâm trong thời gian qua, từ việc "phân lô chia dự án" đến đề xuất đầu tư đại lộ ven sông. Vậy giá trị đất dọc sông này ở mức nào?
-
Đề nghị đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án đại lộ ven sông Sài Gòn
CafeLand - Dự án đại lộ ven sông Sài Gòn không thuộc các trường hợp được chỉ định thầu do đó đề nghị tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án để đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng và hiệu quả kinh tế.
-
Dự án Thảo Điền Sapphire xin 'tự xử' công trình sai phạm
Theo ghi nhận của PV sáng ngày 23/8, dự án Thảo Điền Sapphire tọa lạc số 35-45 đường Nguyễn Văn Hưởng, quận 2, TPHCM đã và đang tiếp tục tháo dỡ các hạng mục sai phạm gồm: Hồ bơi, diện tích lấn chiếm rạch Ông Hóa, khoảng lùi sông Sài Gòn...
-
TP.HCM ủy quyền cho quận, huyện cải tạo, xây dựng chung cư cũ đến năm 2027
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 123/QĐ-UBND, ủy quyền cho UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn, với thời hạn đến hết ngày 31/12/2027....
-
Diễn biến lạ tại một doanh nghiệp bất động sản: Chủ tịch xin từ nhiệm, HĐQT không còn ai
Sau khi bán gần hết cổ phiếu, Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp bất động sản này cũng xin từ nhiệm. Đáng nói với việc lãnh đạo này rời ghế Chủ tịch, HĐQT công ty không còn thành viên nào.
-
Tái khởi động Trung tâm triển lãm 800 tỷ đồng tại TP.Thủ Đức
Dự án Trung tâm Triển lãm Quy hoạch TP.HCM, tọa lạc tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức.