Một trong những giải pháp buộc các NH phải tính đến là bán một phần vốn để thu hút thêm cổ đông chiến lược bên cạnh việc phát hành CP cho cổ đông hiện hữu và CBNV.
“Sóng ngầm” M&A lĩnh vực ngân hàng
Đang có làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) “ngầm” diễn ra ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng và dự báo sẽ gia tăng mạnh trong 2 quý cuối năm.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn chấp thuận cho DaiA Bank, SaigonBank, MeKong Bank… tăng vốn điều lệ từ 1.000 - 1.500 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, nhằm đáp ứng theo quy định của Nghị định 141/2006/NĐ-CP.

Theo đó, các ngân hàng đã xây dựng kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cũng như nhà đầu tư chiến lược sau khi nhận được giấy phép từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Có thể nói, đến thời điểm này, với các ngân hàng quy mô vốn nhỏ, nhất là những ngân hàng mà vốn điều lệ còn ở mức 1.000 tỷ đồng đã phần nào giải quyết được khó khăn đối với bài toán tăng vốn theo lộ trình đưa ra.

Một trong những giải pháp buộc các ngân hàng phải tính đến là bán một phần vốn để thu hút thêm cổ đông chiến lược bên cạnh việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cán bộ, nhân viên.

Chẳng hạn, với GiaDinh Bank, sau khi cổ đông lớn là Vietcombank và Quỹ đầu tư Vietcombank bán bớt phần vốn đang nắm giữ tại Ngân hàng là 19% (trên tổng số trước đây là 30%), GiaDinh Bank đã thu hút được một cổ đông chiến lược sáng giá ở trong lĩnh vực chứng khoán và quản lý quỹ.

Theo một thông tin đáng tin cậy, cổ đông chiến lược mới nói trên hiện nắm giữ 22% vốn của GiaDinh Bank. Còn phần vốn Vietcombank hiện nắm giữ tại GiaDinh Bank là 11% theo quy định của NHNN.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Ngân hàng cũng sẽ tính tới việc thoái vốn ở các số tổ chức tín dụng khác mà Vietcombank đang nắm một tỷ lệ nhất định (MB, OCB, SaigonBank…) nếu sau khi xem xét lại hiệu quả đem về không mấy khả thi.

Tại Mekong Bank (tên gọi trước đây là MyXuyen Bank), ngoài Maritime Bank và nhóm cổ đông lớn đang nắm giữ gần 49% của Ngân hàng, để hoàn thành được kế hoạch tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng hiện tại lên 3.000 tỷ đồng theo lộ trình nói trên, năm nay, MeKong Bank cũng gọi thêm cổ đông chiến lược.

Bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch HĐQT Mekong Bank cho biết, Ngân hàng sẽ phát hành khoảng 20 - 30% vốn điều lệ tăng thêm cho cổ đông chiến lược trong và ngoài nước.

Mekongbank cũng vừa được NHNN chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua trong kỳ đại hội đầu năm. Bà Thanh cho biết, MeKong Bank đang đàm phán với các đối tác để tìm kiếm cổ đông chiến lược phù hợp với mục tiêu của Ngân hàng.

Trong khi một số nhà đầu tư là các quỹ, công ty chứng khoán lớn… đang muốn tham gia lĩnh vực ngân hàng thông qua việc mua lại cổ phần của các ngân hàng trước áp lực tăng vốn theo quy định, thì với các tập đoàn kinh tế có vốn góp vào ngân hàng trước đây lại muốn thoái trào.

Chính điều này đã tạo khó khăn cho các ngân hàng quy mô nhỏ, song cũng lại là cơ hội cho những ai muốn tham gia lĩnh vực tài chính - ngân hàng và có ý định đầu tư dài hạn. Đại diện Navibank cho biết, Ngân hàng đang trong giai đoạn tìm kiếm cổ đông chiến lược (cả trong và ngoài nước) để thu hút thêm vốn hoàn thành kế hoạch trên.

Giá cổ phiếu ngân hàng hiện chỉ bằng mệnh giá và được cho là phù hợp với chiến lược đầu tư dài hạn. Chẳng hạn, tại các ngân hàng mà ACB có chi phối vốn hiện nay, trong các đợt tăng vốn tiếp theo, ACB sẽ tiếp tục rót thêm vốn để đầu tư.

Tuy nhiên, ACB cho rằng, khi muốn đầu tư vào một ngân hàng, trước hết phải xem xét tiềm năng phát triển và cần tìm được sự đồng thuận giữa hai bên. Có như vậy, hai bên mới dần tìm được điểm chung để phát triển tốt.

Hiện làn sóng mua bán, sáp nhập đang “ngầm” diễn ra ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng và dự báo sẽ gia tăng mạnh trong 2 quý cuối năm. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, chủ trương của Chính phủ và NHNN là không gia hạn thời gian tăng vốn theo lộ trình quy định tại 141/2006/NĐ-CP.

Ông Giàu cho rằng, 141/2006/NĐ-CP đã được ban hành cách đây khá lâu (từ năm 2006) và các ngân hàng đã có khoảng thời gian khá dài để chuẩn bị cho kế hoạch tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay.

Ông Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, nếu các ngân hàng không có khả năng đạt được mức vốn 3.000 tỷ đồng, thì phải sáp nhập, hoặc bán lại một phần vốn. Vì theo ông Lịch, với thực tế hiện nay, khi thị trường đã mở cửa, năng lực của các ngân hàng thương mại là phải có tiềm lực vốn để nâng cao sức cạnh tranh.

Song theo dự báo của các chuyên gia, với lĩnh vực tài chính, ngân hàng dù hoạt động mua bán, sáp nhập có xảy ra nhiều, nhưng sẽ rất ít được các bên mua, bán công khai.

Cafeland.vn

theo Đầu tư

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland