Trong giai đoạn 2014-2018, toàn tỉnh Sơn La đã thực hiện 344 dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) với tổng diện tích đất cần thu hồi trên 2.413ha. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, cần tiếp tục tập trung tháo gỡ.

Dự án Kè suối Nậm La và phát triển đô thị dọc suối Nậm La, thành phố Sơn La

Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Sơn La vừa tiến hành giám sát về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong GPMB giai đoạn 2014-2018 trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Kết quả cho thấy, trong giai đoạn 2014-2018, toàn tỉnh Sơn La đã thực hiện 344 dự án bồi thường, GPMB với tổng diện tích đất cần thu hồi là trên 2.413ha. Đã thực hiện bồi thường, GPMB trên 1.639 ha đất, hoàn thành được 297 dự án. Diện tích đất chưa bồi thường, GPMB trên 644 ha; khoảng 130 ha đất chưa sử dụng và đất được Nhà nước giao để quản lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật Đất đai 2013.

Tổng dự toán bồi thường, hỗ trợ GPMB là trên 2.889 tỷ đồng; đã thực hiện 1.676 tỷ đồng, gồm: Bồi thường về đất trên 415 tỷ đồng, bồi thường tài sản trên đất trên 436 tỷ đồng, hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất 15,8 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm 429,8 tỷ đồng…

Tổng số hộ phải bố trí tái định cư là 1.555 hộ thuộc 63 dự án; đã bố trí tái định cư 575 hộ. Có 559 hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp tại 11 dự án có nhu cầu bố trí đất ở; đã bố trí tái định cư cho 21 hộ.

Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch và tổ chức 25 hội nghị về Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành tại các huyện, thành phố với hơn 2.000 cán bộ, người dân tham dự. Đã ban hành Quyết định 1650/QĐ-UBND ngày 5/7/2016, về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, gồm 16 bước, tạo điều kiện thuận lợi cho UBND các huyện trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện bồi thường, GPMB. Ban hành 8 quyết định cụ thể hóa các quy định của Luật Đất đai 2013 về một số nội dung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất… Các Sở, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 64 văn bản về áp dụng các chính sách hỗ trợ đặc thù theo từng dự án…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tiếp nhận, chỉ đạo giải quyết 209 nội dung vướng mắc khi thực hiện các cơ chế, chính sách trong GPMB, đảm bảo kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của các huyện, thành phố, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án. Các cơ quan chức năng của tỉnh và của huyện đã tiếp nhận, xử lý kịp thời 51 đơn kiến nghị, khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai, GPMB.

Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai xã Mường Bang, huyện Phù Yên.

Nhìn chung, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thu hồi, GPMB trên địa bàn tỉnh Sơn La còn một số tồn tại, hạn chế. Do thời gian thực hiện theo quy trình từ khi có chủ trương quy hoạch, dự án đầu tư đến khi thu hồi, GPMB bàn giao đất để thực hiện dự án theo quy định kéo dài, trong khi năng lực, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực quản lý chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, dẫn đến phát sinh các trường hợp tài sản tạo lập trái phép, không đúng mục đích; vi phạm quy định về đất đai, trật tự xây dựng; mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy hoạch, kế hoạch… gây khó khăn, phức tạp cho công tác bồi thường, GPMB.

Đáng lưu ý, tiến độ GPMB một số dự án còn chậm, kéo dài trên 191 ngày. Cá biệt, có một số dự án có tiến độ GPMB trên 1.000 ngày, như Dự án thủy điện Trung Sơn, xã Tân Xuân, Xuân Nha, huyện Vân Hồ (1.227 ngày); đường giao thông Chiềng Khoa – Mường Men, xã Chiềng Khoa, Mường Men, Vân Hồ (1.147 ngày); Dự án đường giao thông tỉnh lộ 110 (Nà Bó) – Quốc lộ 37 Cò Nòi, huyện Mai Sơn (đợt 7: 1.007 ngày)…

Cộng thêm, do công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng ở cơ sở còn yếu kém, chưa kiên quyết, để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, UBND tỉnh vẫn phải xử lý hỗ trợ khác bằng tiền với tài sản tạo lập không đúng mục đích trên diện tích đất thu hồi, trên đất không đủ điều kiện bồi thường. Mục tiêu của chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm chưa đạt được; đa số các hộ gia đình, cá nhân được thanh toán tiền hỗ trợ đều chi tiêu sang mục đích khác, nên đời sống sau khi bị thu hồi đất của người dân gặp nhiều khó khăn.

Các huyện, thành phố vẫn chưa chủ động xây dựng được các khu tái định cư của các dự án, chủ yếu thực hiện việc tái định cư phân tán tại các điểm quy hoạch khu dân cư trên địa bàn nơi có đất thu hồi. Tại các dự án vẫn còn thiếu biện pháp khôi phục nguồn thu nhập tại nơi ở mới cho người được bố trí tái định cư.

Trong thời gian tới, để khắc phục các hạn chế, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Sơn La đề nghị Thường trực HĐND tỉnh xem xét, có ý kiến để UBND tỉnh giao Sở TN&MT tham mưu, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, ban hành mới quyết định của UBND tỉnh về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên cơ sở hợp nhất 03 quyết định của UBND tỉnh đã ban hành.

Chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp xem xét ban hành văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; hướng dẫn UBND cấp huyện về việc ban hành quy chế phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn và UBND cấp xã trong thực hiện bồi thường, GPMB…

Tiếp tục tổ chức đào tạo, tập huấn về công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh, tập trung tổ chức lớp tập huấn đối với đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bồi thường, GPMB tại các huyện, thành phố. Tổ chức nghiên cứu, xây dựng trình UBND tỉnh ban hành bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 trên địa bàn tỉnh theo hướng: Xây dựng bảng giá đất đảm bảo đúng nguyên tắc, giá trị sử dụng, mục đích sử dụng (khu vực thuận lợi hơn về giao thông, mặt bằng, độ phì nhiêu của đất có giá cao hơn các khu vực còn lại)...

Nguyễn Nga (Báo TN&MT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.