26/02/2016 8:13 AM
"Các địa phương phải quyết tâm, chỉ đạo phải quyết liệt, sớm tháo gỡ những vướng mắc và hoàn tất những phần việc còn dở dang. Giải phóng mặt bằng (GPMB) xong đến đâu, tập trung làm hạ tầng đến đó" - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh chỉ đạo tại cuộc giao ban trực tuyến về tình hình GPMB, với các quận, huyện, thị xã, chiều 25-2.
Vì sao giải phóng mặt bằng chậm tiến độ?
Theo ông Trương Quang Thiều, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB thành phố, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng công tác GPMB vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nguồn vốn bố trí cho GPMB, quỹ nhà, quỹ đất tái định cư (TĐC) cho một số dự án còn thiếu hoặc chưa kịp thời, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thu hồi đất, bàn giao mặt bằng. Ông Trương Quang Thiều cho biết: "Thậm chí cả dự án trọng điểm cũng chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ và thành phố như Dự án thoát nước Hà Nội - Dự án II, Dự án mở rộng khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, Dự án đường Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng), Khu công nghệ cao Hòa Lạc...".
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn, chủ trương, chỉ đạo của thành phố, hướng dẫn của các sở, ngành đều đã rõ, việc lập phương án, phê duyệt phương án GPMB cũng rất trôi chảy, nhưng vấn đề ở chỗ, quỹ nhà TĐC chưa bố trí được ngay. Ví dụ, dự án đường Nguyễn Đình Chiểu, các hộ dân đã đồng tình phương án đền bù, GPMB, nhưng thiếu quỹ nhà TĐC (dự kiến bố trí tại khu Hoàng Cầu, quận Đống Đa) quận đề nghị phương án tạm cư nhưng người dân không đồng tình, muốn bố trí TĐC một lần nên việc GPMB dự án này lâm vào thế khó.
Công nhân thi công xây dựng mở rộng tuyến đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân). Ảnh: Khánh Huy
Tính đến ngày 31-12-2015, UBND các quận, huyện, thị xã đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC cho hơn 17.400 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chi trả hơn 4.735,5 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ; bố trí TĐC cho 1.064 hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở; thu hồi và nhận bàn giao mặt bằng hơn 722,85ha đất tại 1.263 dự án (trong đó đã có 142 dự án hoàn thành toàn bộ công tác GPMB và 16 dự án hoàn thành theo phân kỳ đầu tư). Dự tính năm 2016, trên địa bàn thành phố phải thực hiện 1.153 dự án, trong đó có 687 dự án thu hồi đất mới năm 2016, còn lại 267 dự án đã cắm mốc GPMB đang hoàn thiện thu hồi đất và 199 dự án chưa thực hiện được trong năm 2015 phải chuyển tiếp sang - ông Trương Quang Thiều cho biết.
Tăng cường tuyên truyền, tạo đồng thuận
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp, GPMB đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi người dân nên khó khăn, phức tạp. "Nhiều trường hợp nhà bị thu hồi, cắt xén, diện tích còn lại không đủ điều kiện bố trí nhà TĐC. Nhưng khi hoàn thành GPMB, hộ đó có nhiều nhân khẩu ở chung, diện tích nhỏ, chật chội. Họ mong muốn được xét vào diện mua nhà TĐC nhưng quy định không cho phép. Những trường hợp như vậy, nếu làm được thì trọn vẹn quá". Ông Nguyễn Hoàng Giáp nói.
Cho rằng việc tuyên truyền, vận động người dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ông Đỗ Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm kể: Dự án Đề pô xe điện Nhổn, quận phê duyệt 79 phương án bồi thường thì có tới 54 phương án khiếu nại. Sau khi lãnh đạo quận tiếp dân, vận động, giải thích chỉ còn 35 hộ có đơn lên thành phố. Sau khi Thanh tra thành phố làm việc, thông tin tới các hộ dân, không còn phát sinh khiếu kiện… "Tuy nhiên, đồng thời, chúng tôi cũng kiên quyết đối với trường hợp vi phạm pháp luật đất đai và quản lý xây dựng đô thị" - ông Tuấn nói: Tại dự án khu đô thị Tây Hồ Tây, các trường hợp khiếu nại đều được thuyết phục, hướng dẫn, nhưng cố tình chây ì, quận kiên quyết xử lý. Chúng tôi cố gắng GPMB trong tháng 3-2016; trường hợp phải cưỡng chế sẽ thực hiện từ ngày 5 đến 10-4".
Khẳng định GPMB là một nhiệm vụ nặng nề, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Vũ Hồng Khanh yêu cầu các đơn vị, quận, huyện, thị xã phải vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, trước mắt hoàn thành sớm những việc còn dở dang từ năm 2015. Phó Chủ tịch lưu ý, GPMB xong phải tập trung làm hạ tầng ngay. Phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC, GPMB phải theo đúng Luật Đất đai, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên - Môi trường, của UBND thành phố. Địa phương, sở, ngành phải nắm chắc quy định, bám sát quy định để thực hiện. Nếu có vướng mắc báo cáo thành phố để tìm cách tháo gỡ nhưng tránh kiến nghị những việc quy định đã rõ.
Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách; bố trí đủ quỹ nhà TĐC; tạo điều kiện cho các hộ dân đến nơi ở mới thuận lợi, giảm bớt khó khăn; chăm lo giải quyết đời sống, công ăn việc làm; bảo vệ môi trường, quan tâm đến chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
26.035 hộ được giao đất dịch vụ
Đến nay, diện tích đã tổ chức giao đất dịch vụ là 174,64ha, với 26.035 hộ. Diện tích đất dịch vụ đã hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chưa tổ chức giao là 210,44ha. Diện tích đất đã xong GPMB nhưng chưa xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 151,32ha. Diện tích đất dịch vụ đã có quyết định thu hồi đất, đang GPMB là 106,41ha. Diện tích đất dịch vụ đã có thông tin quy hoạch, UBND cấp huyện đang hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư là 156,49ha.
Thanh Hải (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.