12/06/2015 7:45 AM
Dù đã giải quyết được nhiều điểm vướng mắc hạn chế của Luật Đất đai 2003, song sau một năm triển khai, Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình tổ chức thi hành.

Thiếu chế tài, quy định chồng chéo khiến nhiều địa phương trong cả nước đang gặp không ít khó khăn khi thi hành và chịu nhiều tác động khi đưa luật vào cuộc sống.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có năm nhóm vấn đề lớn thành phố gặp khó khăn khi thi hành Luật Đất đai 2013. Bao gồm nhóm các vấn đề liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư; cấp giấy chứng nhận, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; vướng mắc trong công tác xác định giá; về bồi thường hỗ trợ tái định cư và xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai.

Một trong những khó khăn nhất là giải quyết vướng mắc trong trường hợp chủ đầu tư nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Thực tế, khi thi hành Luật Đất đai 2003, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện việc giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư theo hình thức chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Kết quả, 70% diện tích đất đã chuyển nhượng theo quy hoạch. Số còn lại không tự thỏa thuận được do có trường hợp ép chủ đầu tư phải thỏa thuận với mức giá cao hơn khiến một số dự án kéo dài hàng chục năm.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp diện tích đất chưa thỏa thuận được nằm xen kẽ trong khu đã thỏa thuận cho nên dự án cũng không thể triển khai đành "đắp chiếu" nằm chờ gây thiệt hại cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, quy hoạch kiến trúc được phê duyệt. Trong khi đó, Luật Đất đai 2013 lại thiếu các chế tài xử lý các trường hợp nêu trên.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh bức xúc, Hà Nội hiện có khoảng 80% các dự án do chủ đầu tư chịu trách nhiệm thu hồi đất, phải tự thương lượng với người dân, gây phát sinh nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Nếu không có những quy định cụ thể tháo gỡ cho những trường hợp không đạt thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ của hàng loạt dự án trên địa bàn.

Liên quan đến nhóm các vấn đề trong việc xử lý vi phạm đất đai, các địa phương đang gặp nhiều khó khăn vì đối tượng bị thu hồi đất không hợp tác thực hiện. Lý do là Điều 71 Luật Đất đai 2013 chỉ quy định cưỡng chế thực hiện đối với trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư mà không quy định việc cưỡng chế thu hồi đất vi phạm pháp luật đất đai. Tương tự, về xử lý thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án, thành phố đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có hướng dẫn thực hiện việc xử lý khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án. Đó là chưa kể đến những bất cập giữa thi hành Luật Đất đai 2013 với Luật Đầu tư đã gây khó khăn cho các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất, lập danh mục dự án thu hồi đất, thiếu căn cứ khi làm thủ tục giao đất, cho thuê đất theo kết quả lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất.

Việc các địa phương gặp khó khăn khi thi hành Luật Đất đai 2013 cho thấy công tác xây dựng luật còn bất cập, thiếu tính dự báo. Luật Đất đai là một đạo luật quan trọng, có tác động sâu rộng đến chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, các chủ đầu tư và doanh nghiệp. Vì vậy sửa đổi Luật là việc làm cần thiết, góp phần tháo gỡ khó khăn cho chính quyền cơ sở khi thực thi và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai - một lĩnh vực luôn "nóng".

An Trân (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.