Chỉ tính từ cuối tháng tám trở lại đây, trung bình mỗi ngày, có từ 5 – 10 căn nhà phố cổ hoặc nhà mặt phố trong nội đô được rao bán trên các trang thông tin điện tử mua bán nhà đất. Trong khi hầu hết các phân khúc của bất động sản đang gặp khó khăn, những ngôi nhà phố cổ vẫn có giá hàng chục tỷ đồng và đang được nhiều người tìm mua.
Theo khảo sát, quận Hoàn Kiếm, Ba Đình hiện đang có số lượng nhà mặt phố có giá trị hàng chục tỷ đồng được chào bán nhiều nhất trên thị trường bất động sản.
Sau gần hai năm nghỉ ngơi chờ diễn biến thị trường, anh T.V (Mỹ Đình, Hà Nội) quyết định tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới với đi tìm mua căn nhà mặt phố ở trung tâm của quận Hoàn Kiếm hoặc Hai Bà Trưng. Theo tính toán của anh T.V, dù giá nhà phố trong nội đô không rẻ nhưng với xu thế “ảm đạm” của thị trường bất động sản, đầu tư nhà phố cho thuê làm văn phòng đảm bảo được cả yếu tố sinh lời hàng tháng cũng như sinh lời từ nguồn vốn đầu tư ban đầu.
Theo khảo sát, các khu vực trung tâm gần Hồ Hoàn Kiếm luôn có giá cao ngất ngưởng, có những ngôi nhà được gia chủ hét giá tới 800-900 triệu đồng/m2. Ở vào thời điểm hiện tại, nhà mặt phố Hàng Đào có giá khoảng 900 triệu đồng/m2; nhà phố Hàng Bồ 750 - 800 triệu đồng/m2; nhà mặt phố Bát Đàn, Cầu Gỗ giá 600 triệu đồng/m2;mặt phố Ngõ Huyện đang chào bán giá 360 triệu đồng/m. Trong khi đó những căn nhà mặt phố Hàng Bún không có nóc cũng được giao bán với giá 400 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, tại quận Ba Đình, một căn nhà 5 tầng rộng 70m2 tại mặt phố Linh Lang được chào bán với giá 14,2 tỷ đồng; nhà mặt phố Vạn Bảo diện tích 80m2 chào bán giá 14,5 tỷ đồng…
Tại quận Hai Bà Trưng, nhà mặt phố Nguyễn Công Trứ cũng được giao bán với giá 400 triệu đồng/m2. Khu vực phố Hàng Chuối và Phạm Đình Hổ, Tăng Bạt Hổ của quận Hai Bà Trưng được mệnh danh là phố biệt thự cũng đang có lượng nhà đất rao bán tương đối nhiều. Giá cả ở khu vực này thường dao động từ 20 tỷ đến 22 tỷ cho một căn biệt thự gần 200m2.
Chị Thục Anh (Hoàng Cầu, Hà Nội) cho biết, sau khi thành công với các giao dịch bất động sản ở khu vực phía Tây Hà Nội, chị quyết định đầu tư lên trung tâm nội đô. Đích mà chị Thục Anh nhằm tới là các biệt thự cũ. Chị Thục Anh cho biết, nhằm tới thị trường này rất phải cẩn trọng dù nó mang lại giá trị sinh lời lớn. Nhà phố cổ, nhà biệt thự cũ đôi khi thuộc sở hữu chung của nhiều gia đình nên khi làm việc với các chủ nhà, chị phải làm xác định tính pháp lý rõ ràng để tránh tranh chấp. Để tìm mua được hàng trong thị trường nhà phố cổ, nhà biệt thự, chị Thục Anh phải bỏ rất nhiều công sức ra tìm kiếm và thương lượng, thậm chí mất cả những khoản phí dịch vụ trên trời như mất 1 triệu đồng cho phí xem một căn nhà trên phố Hàng Bông.
Có thể dễ dàng nhận thấy, thị trường nhà phố cổ và biệt thự đang trở thành một kênh đầu tư mới qua sự “thay áo” của các căn biệt thự trước đây thuộc sở hữu của nhiều gia đình nay được một thương gia mua lại. Điển hình như trên con phố Phạm Đình Hổ, xen giữa bức tường rêu cũ, cánh cổng sắt màu xanh đặc trưng của kiến trúc biệt thự Pháp cổ là bức tường sơn trắng và cánh cổng sắt bằng đồng với lối kiến trúc mới cầu kỳ khiến nhiều người tò mò.
Theo các công ty bất động sản chuyên môi giới nhà phố cổ và nhà biệt thự cho biết, trong khoảng thời gian gần đây, giao dịch trong thị phần này đang tăng nhanh. Nguyên nhân chính do trong thời điểm này, giá cả đã được điều chỉnh hợp lý và khoản đầu tư vào đây tuy có đắt nhưng khả năng thu lời cao bởi nếu đem cho thuê, chủ đầu tư có thể thu về mỗi tháng hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, việc môi giới nhà trong thị phần này khá vất vả và mất nhiều thời gian bởi giá cả vẫn đang được người bán phát giá một cách tùy tiện khiến những người có nhu cầu thực sự khó tiếp cận.