Quyết định của Standard & Poor’s (S&P) hạ bậc tín dụng của Pháp cùng 8 nước khác tại Liên minh châu Âu (EU) khiến dư luận lo lắng lục địa già càng khó khăn hơn trong nỗ lực giải quyết nợ công và đẩy nền kinh tế thế giới vào chỗ bất ổn. Tuy nhiên, tạp chí Time của Mỹ đăng tải bài phân tích nhận định quyết định của S&P lần này không tạo nên sự hoảng loạn cho nền kinh tế châu Âu và toàn cầu.

Đầu tiên là các nhà đầu tư đã có rất nhiều thời gian để đón nhận cho những tin xấu này. S&P đã đánh tiếng về bản danh sách 15 quốc gia, trong đó có Pháp và Đức, nhiều khả năng sẽ bị hạ mức tín nhiệm từ tháng 12 năm ngoái. Chính vì vậy, EU cũng đã có sự chuẩn bị cho vấn đề này ngay từ khi S&P đe dọa. Cũng trong ngày S&P thông báo đánh tụt mức tín nhiệm, Italia đã thực hiện một kỳ tích khi bán đấu giá trái phiếu chính phủ thành công và huy động được 4,75 tỷ EUR. Tây Ban Nha và Italia cũng đã thành công với các phiên đấu giá trái phiếu chính phủ mỗi nước trước đó.

Fred Cannon, một chuyên gia kinh tế cho biết giới kinh tế cũng dự báo từ lâu rằng Pháp không thể giữ mức tín nhiệm AAA bởi chính phủ nước này đã không thể duy trì cân bằng ngân sách trong 3 thập kỷ qua, thâm hụt ngân sách chiếm 7,1% GDP năm 2011, cao hơn nhiều so với mức trần 3% GDP mà EU quy định. Hơn nữa, Pháp cũng đã phải gồng gánh để trợ giúp các nước như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland. Trước đó, S&P còn dọa sẽ hạ bậc tín nhiệm của Pháp xuống 2 bậc. Nhưng rốt cục mức hạ của S&P đối với tín dụng Pháp chỉ là 1 bậc, từ AAA xuống AA+.

Một yếu tố đáng chú ý trong cảnh báo của S&P là việc hạ mức tín nhiệm lần này sẽ chỉ khiến các chính phủ châu Âu đi vay với mức lãi suất cao hơn chứ không gây ra hoảng loạn cho thị trường tài chính toàn cầu. Sau khi S&P công bố, chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ chỉ giảm 0,5 %; thị trường chứng khoán Đức giảm 0,6%, thậm chí thị trường Pháp chỉ giảm 0,1%.

Theo Marc Chandler, người đứng đầu về chiến lược tiền tệ toàn cầu của Công ty Brown Brothers Harriman (Mỹ), quyết định của S&P lần này tương tự đối với Mỹ hồi tháng 8-2011. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn không ngừng đổ tiền vào việc mua trái phiếu Chính phủ Mỹ cho dù thông tin xấu đó ảnh hưởng nhất thời tới thị trường chứng khoán Mỹ vào thời điểm đó.

Mặc dù vậy, giới phân tích kinh tế cũng cho rằng việc hạ bậc tín nhiệm cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định. “Nạn nhân” thứ nhất là quỹ cứu trợ châu Âu có thể phải đối mặt với việc vay lãi suất cao hơn trong thời gian tới do Pháp là nhà tài trợ lớn tứ hai sau Đức. Thứ hai, việc này sẽ tác động đến chính trường Pháp. Bị hạ bậc tín nhiệm đồng nghĩa với việc Pháp phải đi vay với lãi suất cao và điều này sẽ gây khó khăn cho Pháp trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy phần nào cũng bị mất điểm trong cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống nước này trong năm nay. Và nếu tái đắc cử, ông Sarkozy sẽ đối mặt với một loạt vấn đề liên quan đến giảm thâm hụt và cân bằng ngân sách của Pháp cho đến năm 2016.

Tóm lại, đối với Pháp cũng như 8 nước EU, cú sốc bị hạ mức tín nhiệm không phải là cú sốc về kinh tế mà chỉ là cú sốc về sĩ diện.

Theo Đỗ Văn (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh