Đã hết thời hạn “tối hậu thư” của HĐND TP Đà Nẵng đưa ra cho Tập đoàn Rocky Lai & Asscociates (gọi tắt là Tập đoàn Rocky Lai, Mỹ) - chủ đầu tư của “thung lũng silicon Đà Nẵng”. Tuy nhiên, đến nay số phận của “đại dự án” này vẫn treo lơ lửng, trong khi đó chủ đầu tư thì mất hút và chính quyền Đà Nẵng hiện cũng đang loay hoay trong việc xử lý.
Dừng vì người nhà bệnh?
Báo cáo trước Thành ủy Đà Nẵng trong một cuộc họp cuối tháng 3 (ngày 30-3) mới đây, Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng Phạm Kim Sơn (đơn vị quản lý dự án này) cho hay: “Trong thời gian tập đoàn này đầu tư thì các sở, ban ngành của TP đã cố gắng hết sức hỗ trợ. Nói chung về phía TP thì nhà đầu tư không có than phiền gì. Tuy nhiên, đến giữa cuối năm 2013 đầu 2014 thì lộ ra tập đoàn này không có năng lực”. Theo ông Sơn, lý do “đứng bánh” của chủ đầu tư dự án là vì sức khỏe của vợ ông Rocky Lai. “Đây là tập đoàn gia đình, trước tình hình này họ không có chủ trương đầu tư nữa nên ông Rocky Lai xin rút. Tuy nhiên, ông Paul Tạ là một trong hai cổ đông chính của dự án lại muốn tìm mọi cách duy trì để tìm một nhà đầu tư tài chính khác thay thế ông Rocky Lai. Đấy là lý do dẫn đến việc chậm trễ trong thời gian dài”.
Cũng theo ông Phạm Kim Sơn, ông Paul Tạ đã tìm kiếm các nhà đầu tư khác, trong đó có Tập đoàn Trung Nam. Theo đó Trung Nam sẵn sàng cam kết bỏ vào đây trước mắt là 126 tỉ đồng để chi trả các khoản nợ như nợ tiền sử dụng đất, nợ tiền đền bù giải tỏa, nợ tiền chuẩn bị đầu tư… và sẵn sàng bỏ ra thêm 300 tỉ đồng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 1.
“Chúng tôi nghĩ giải pháp khả dĩ là tiếp tục cho phép chuyển nhượng để cho nhà đầu tư Trung Nam và các nhà đầu tư của Mỹ có thể tiếp tục triển khai khu CNTT này. Hiện nay theo chúng tôi được biết thì các nhà đầu tư đang làm các thủ tục để chuyển nhượng cổ phần” - ông Phạm Kim Sơn cho hay.
Nhiều người dân sau khi giải tỏa quay về cắt cỏ, nuôi dê tại khu vực dự án. Ảnh: LÊ PHI
Phối cảnh dự án do chủ đầu tư đưa ra khi khởi công dự án.
Không thể để “không làm cũng chẳng chết ai”
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng việc xúc tiến đầu tư này chẳng khác nào “đếm cua trong lỗ”.
Theo ông Thơ, bây giờ UBND TP đang cho nghiên cứu hai phương án. Phương án thứ nhất là thu hồi giấy phép đầu tư. Cái này giao cho Phòng Nội chính pháp chế và các cơ quan tư pháp liên quan nghiên cứu khả năng thu hồi để tránh việc tranh chấp, kiện tụng. Phương án thứ hai là không thu hồi được để giao cho nhà đầu tư mới thì vẫn chấp nhận duy trì hiện trạng của Tập đoàn Rocky Lai này để kêu gọi thêm một số nhà đầu tư khác nữa. Theo đó, TP phải nghiên cứu đưa ra một số ràng buộc khác chứ không thể để như tình trạng hiện nay là “không làm cũng chẳng chết ai”.
Tuy nhiên, theo ông Thơ, phía Sở KH&ĐT của TP cho rằng không thể thu hồi được dự án. “Bởi thu hồi là họ kiện cho nên phải nghiên cứu kỹ. Nếu thu hồi được thì tốt nhất là thu hồi rồi giao lại cho ai đó được thì giao. Ký lại cam kết cho chặt chẽ chứ không thể để người ta không triển khai thì mình cũng chẳng làm chi được họ”. Ông Thơ cho biết: “Bây giờ tinh thần là phải giải quyết sớm, sau đó báo cáo với Thường trực Thành ủy quyết định”.
Quyết thu hồi và đòi lại tiền đã bỏ ra
Trước tình hình trên, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ cho biết TP đã làm hết trách nhiệm như cam kết. Phần còn lại là của chủ đầu tư. “Trong hợp đồng, trách nhiệm của TP là giải tỏa, đền bù, giao đất. TP đã giải tỏa xong, đền bù xong, tạo mọi điều kiện pháp lý là đã xong nhiệm vụ. Còn anh (Tập đoàn Rocky Lai) không làm thì sao?” - ông Thọ đặt vấn đề và yêu cầu phải có cách xử lý dứt điểm vụ này.
Ông Trần Thọ nói: “TP đã ứng 50 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng. Nếu Rocky Lai đã không đủ năng lực đầu tư thì hãy rút lui và hoàn trả 50 tỉ đồng cho TP Đà Nẵng”.
Về việc Tập đoàn Rocky Lai có ý định chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác, ông Trần Thọ cho rằng như thế là không được và yêu cầu các cơ quan chức năng Đà Nẵng quyết liệt thu hồi đúng như nghị quyết HĐND TP đã đưa ra.
-
Gần 130 dự án tại Hải Dương chậm tiến độ
Theo kết quả rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, toàn tỉnh có 127 dự án ngoài khu công nghiệp chậm tiến độ.
-
Siêu dự án của Sông Hồng Thủ Đô tại Vĩnh Phúc lọt danh sách chậm tiến độ
Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô có hai dự án chậm tiến độ gồm Khu dịch vụ Bắc Đầm Vạc (8/2018-2/2021) và Khu đô thị sinh thái Sông Hồng Nam Đầm Vạc (tiến độ 2010-2015).
-
Dự án của Flamingo, Sông Hồng Thủ đô tại Vĩnh Phúc lọt danh sách dự án chậm tiến độ
Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã công bố danh sách 20 dự án nhà ở, đô thị chậm tiến độ trên địa bàn. Nổi bật có những dự án liên quan đến các doanh nghiệp tên tuổi như Flamingo, Sông Hồng Thủ đô, Vinaconex…...