Ngày 20/10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về phương án xử lý dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên (Tisco 2) và dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai (VTM) tại tỉnh Lào Cai.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo hoàn thiện phương án xử lý dứt điểm dự án Tisco 2 và dự án VTM. Ảnh VGP
Theo Phó Thủ tướng, trong 12 dự án yếu kém ngành Công Thương, đã đề xuất Bộ Chính trị cho chủ trương xử lý đối với 8 dự án, còn 4 dự án. Trong đó, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam và đóng tàu Dung Quất đang hoàn thiện phương án xử lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Nhấn mạnh việc xử lý đối với 2 dự án Tisco 2 và dự án VTM là khó, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, đã có nhiều ý kiến chỉ đạo. Bộ Chính trị cũng đã có 3 văn bản chỉ đạo.
Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng các bộ, ngành và doanh nghiệp đã rất tích cực xử lý nhưng vì vấn đề tồn tại đã lâu, nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Trên cơ sở đề xuất phương án xử lý của Ủy quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị đại diện các bộ, ngành cho ý kiến góp ý để thống nhất phương án xử lý dứt điểm đối với 2 dự án này.
"Nếu thống nhất được phương án trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, chúng ta sẽ xử lý dứt điểm 12 dự án yếu kém thuộc Bộ Công Thương", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ.
Dự án VTM: Gặp khó trong tái cơ cấu
Đối với dự án VTM, ban chỉ đạo cho rằng, đây là dự án liên doanh giữa 3 bên, nhưng hoạt động không hiệu quả, công nghệ không đồng bộ, các bên liên doanh cũng không có sự đồng thuận.
Nhà máy gang thép Lào Cai
Được biết, dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai thuộc Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung. Công ty này được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam (chiếm 46,85%); CTCP Khoáng sản Lào Cai (chiếm 8,15%) và Công ty hữu hạn khống chế Cổ phần gang thép Côn Minh - Trung Quốc (chiếm 45%).
Theo đó, phía Việt Nam cũng chỉ sở hữu 46%, cổ đông nhà nước không nắm vai trò quyết định mà các quyết định của VTM dựa trên sự đồng thuận của các bên. Do đó, các thành viên Ban Chỉ đạo đề xuất cấp có thẩm quyền chuyển dự án này ra khỏi danh sách xử lý các dự án yếu kém để các bên tham gia liên doanh quyết định trên cơ sở quy định của pháp luật về kinh tế, đầu tư.
Hiện tại, dù đã có nhiều cố gắng tháo gỡ, nhưng dự án VTM không có sự chuyển biến nên sẽ giao lại cho Tổng Công ty Thép Việt Nam xử lý.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phân tích rõ các nội dung liên quan đến thực tiễn triển khai dự án, làm rõ quan điểm, khó khăn, vướng mắc và căn cứ pháp luật để trình phương án đảm bảo khả thi, cũng như tính toán các khả năng có thể xảy ra để có biện pháp phù hợp.
Dự án Tisco 2: Vướng mắc liên quan đến hợp đồng EPC
Dự án Tisco 2 có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 3.800 tỷ đồng, sau đó tăng lên hơn 8.100 tỷ đồng, dự án do CTCP Gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư và Công ty hữu hạn Tập đoàn Khoa học công nghiệp luyện kim Trung Quốc (MCC) làm tổng thầu.
Vướng mắc chính của dự án Tisco 2 liên quan tới tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu về hợp đồng EPC (hợp đồng nhà thầu trọn gói)
Tại thời điểm 30/9, tổng giá trị đầu tư của dự án Tisco 2 đã thực hiện là 6.539 tỷ đồng. Trong đó, lãi vay vốn hóa là 3.317 tỷ đồng, chi phí phát sinh chủ yếu trong 9 tháng đầu năm này là chi phí lãi vay vốn hóa.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh “dự án Tisco 2 là dự án rất phức tạp, chủ yếu là vướng mắc liên quan đến hợp đồng EPC”.
Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, cơ quan chức năng đã xử lý trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự đối với dự án này. Tuy nhiên, dự án vẫn còn vướng mắc trong xử lý vấn đề liên quan đến kinh tế.
Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là phải giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến hợp đồng EPC rồi mới đề xuất các nội dung tiếp theo.
Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng như ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản thống nhất đề nghị cấp có thẩm quyền cho chủ trương giải quyết theo hướng thỏa thuận với đối tác để đi đến thanh lý hợp đồng EPC.
Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, làm rõ các nguyên tắc, căn cứ, lý do đề xuất trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa và chia sẻ giữa các bên, hoàn thiện phương án thực sự thuyết phục, bảo đảm “trình là xong.”
Đồng thời, cũng phải làm rõ các phương án xử lý tiếp theo nếu chủ trương được các cấp có thẩm quyền chấp thuận.
-
Dự án “đắp chiếu” gần 2 thập kỷ, “ngốn” hơn 6.200 tỉ đồng của Tisco sẽ được cứu?
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có những buổi làm việc với các đối tác trong và ngoài nước để tháo gỡ khó khăn tại Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2).
-
Lào Cai công bố dự án nhà ở xã hội gần 700 tỷ đồng
Sở Xây dựng Lào Cai vừa công bố danh mục Dự án Nhà ở xã hội khu Lâm Viên, phường Nam Cường, TP. Lào Cai có tổng vốn đầu tư 684,7 tỷ đồng. Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư....
-
Công bố thanh tra khai thác, kinh doanh đất hiếm, vonfram và quặng bô-xít
Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra về quản lý khai thác, chế biến, kinh doanh 3 loại khoáng sản gồm đất hiếm, vonfram và quặng bô-xít.
-
Phê duyệt thêm 6 dự án phát triển công nghiệp nghìn tỷ, tỉnh Lào Cai yêu cầu các địa phương khẩn trương gỡ vướng mặt bằng các dự án truyền tải điện
Tỉnh Lào Cai vừa phê duyệt danh mục 6 dự án thu hút đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024.